A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Trái đất 2024: Kêu gọi các quốc gia chung tay giảm 60% sản lượng nhựa

Năm 2024, chủ đề của Ngày Trái đất trên toàn cầu có tên "Planet vs Plastic" (Hành tinh chống lại Nhựa), đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040.

 

(Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.

Còn theo Earthday.org, hơn 500 tỉ túi nhựa - một triệu túi mỗi phút - được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút, nhưng đã lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nylon gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.

Để đạt được mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 trang Earthday.org nhấn mạnh vào 4 yếu tố:

Một là, nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học, tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa, thậm chí tiết lộ bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến tác động của nhựa cho cộng đồng được biết.

Hai là, loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về Ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

Ba là, yêu cầu các chính sách chấm dứt ngành công nghiệp thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ mà ngành này sản xuất và sử dụng.

Bốn là, đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng thế giới không có nhựa.

Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa. Năm 2024, hưởng ứng Ngày Trái đất 22/4, hơn 20 nghìn tình nguyện viên Cộng đồng Xanh Việt Nam đã tham gia làm sạch môi trường vì một hành tinh không ô nhiễm trắng. Chỉ trong 3 giờ đồng hồ, các tình nguyện viên đã dọn sạch rác tại nhiều khu vực và thu gom hơn 2 tấn rác thải. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã có hơn 500 tình nguyện viên tham gia, góp phần làm sạch không gian xanh tại công viên Mai Dịch.

Ngày Trái Đất 22/4 hàng năm là ngày Thế giới kêu gọi, vận động mọi quốc gia, tổ chức, cộng đồng thế giới và mọi người nâng cao nhận thức, chung tay hành động vì môi trường tự nhiên, bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng. Ngày Trái đất được tổ chức nhằm nâng cao ý thức và trân trọng môi trường tự nhiên của hành tinh.

Sáng kiến Ngày Trái đất được khởi xướng bởi thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson thông qua một cuộc hội thảo về môi trường lần đầu tiên diễn ra vào ngày 22/4/1970.

Cần lưu ý rằng, Ngày Trái Đất và Giờ Trái Đất là hai sự kiện lớn về môi trường trên thế giới, tên gọi có phần giống nhau, nhưng lại là hai sự kiện khác nhau. Sự khác nhau của 2 hoạt động này đến từ mục đích, cách thức triển khai và kết quả thu nhận.

Giờ Trái Đất hướng đến mục đích tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu nhiên liệu, giảm lượng thải C02 ra ngoài môi trường, từ đó góp phần chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính tối ưu. Giúp thế giới và đời sống con người phát triển một cách bền vững hơn. Giờ Trái Đất được hưởng ứng với những hoạt động như tắt đèn, hạn chế sử dụng các thiết bị điện, thiết bị gia dụng, đạp xe. Chiến dịch sau tuyên truyền sẽ nhận được một lượng lớn điện năng tiết kiệm được và một môi trường sống thông thoáng, không khói bụi.

Hoạt động Ngày Trái Đất là bảo vệ người, bảo vệ ta và mang lại đời sống xanh - sạch - văn minh hơn (Ảnh minh hoạ)

Ngày Trái Đất ra đời với mục tiêu để tất cả mọi người hiểu về tầm quan trọng và giá trị của môi trường sống, mỗi một cá thể với một hành động nhỏ đều sẽ góp phần mang lại thành quả lớn. Hoạt động Ngày Trái Đất là bảo vệ người, bảo vệ ta và mang lại đời sống xanh - sạch - văn minh hơn.

Đến nay, sự kiện Ngày Trái đất được điều phối bởi Mạng lưới Ngày Trái đất và diễn ra thường niên tại hơn 192 quốc gia. Tại Việt Nam, cũng như nhiều Chiến dịch lớn về môi trường trên thế giới, sự kiện Ngày Trái đất, cũng được nhiều Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng với nhiểu hoạt động ý nghĩa, phù hợp với từng đơn vị.

Với mỗi cá nhân, để thiết thực hưởng ứng Ngày Trái đất 2024, chúng ta hãy cùng thực hiện các hoạt động rất nhỏ tại nhà, nơi làm việc, nơi công cộng… để “Ngày nào cũng là ngày trái đất” như: Từ chối túi nilon/nói không với túi nilon khi mua hàng, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường (túi/ly/hộp giấy, túi vải, gói bằng lá, đồ mây/tre/nứa…); Không quá lạm dụng, hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm đồ nhựa/nilon một lần (chai, ly, chén, muỗng, đũa, hộp, ống hút, túi…); Thu gom/phân loại các nhóm rác thải ngay tại nhà (nhựa/nilon, thủy tinh/sành sứ, pin/ắc quy…); Dùng các loại chai, ly, chén, muỗng, đũa… có thể tái sử dụng; Trang bị một chiếc túi xách khi đi chợ, đi mua hàng hóa; Vệ sinh môi trường, không vứt/xả rác, phóng uế bừa bãi không đúng nơi quy định…

Bên cạnh đó, giảm sử dụng thiết bị điện gia dụng, tiết kiệm điện, nước; Ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp điện, đi xe đạp khi có thể; Bảo vệ, chăm sóc trồng thêm cây xanh, chăm sóc cây theo phương pháp hữu cơ; Tận dụng ánh sáng mặt trời. Sử dụng các vật liệu được làm từ thiên nhiên; Tiết kiệm, không lãng phí thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Tăng cường rau củ quả trong bữa ăn; Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng giấy thay thế bằng thiết bị điện tử; Hạn chế phát thải: Nạp nhiên liệu có tiêu chuẩn phát thải cao, tích cực đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng; Tuyên truyền “Ngày Trái Đất” để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi một cá nhân trong việc bảo vệ môi trường…

Để hưởng ứng Ngày Trái đất 2024, Google đã chọn và giới thiệu 6 hình ảnh đại diện cho các địa điểm đa dạng sinh học trên thế giới. Đó là: Quần đảo Turks và Caicos (thuộc Vương quốc Anh); Vườn quốc gia Scorpion Reef (Mexico); Vườn quốc gia Vatnajökull ở Iceland; Vườn quốc gia Jaú ở Brazil; Sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại ở Nigeria; Khu bảo tồn thiên nhiên quần đảo Pilbara (Úc). Đây là những địa danh mà các cá nhân, cộng đồng và chính phủ đang nỗ lực từng ngày để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên, sự đa dạng sinh học và các tài nguyên trên hành tinh.


Tác giả: Trúc Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website