A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán nguồn nguyên liệu cho công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tỉnh Nghệ An

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 34,9%, xơ sợi dệt các loại tăng 75,7%; năm 2022, kim ngạch ngành dệt may tỉnh Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khá, song khó khăn nhất với ngành này vẫn nằm ở khâu nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Nguyên liệu nhập khẩu là chính

Hiện, tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động rải khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Với quy mô phát triển hiện nay của dệt may là điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ ngành này phát triển. Tuy số lượng nhà máy may nhiều nhưng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì lại quá ít. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 nhà máy sợi của Công ty Cổ  phần  Dệt may Hoàng Thị Loan sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 1 cơ sở thêu (Cụm Công nghiệp Lạc Sơn, huyện Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may của các Công ty Havina Kim Liên và Công ty TNHH Prex Vinh và khoảng 18 cơ sở dệt thủ công khác.

Trong khi đó, công nghiệp dệt, nhuộm rất yếu; các nhà máy chủ yếu là may gia công, giá trị thấp. Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đòi hỏi chi phí cho xử lý môi trường rất cao, nhất là công đoạn nhuộm vải nên sản phẩm làm ra có giá thành cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đầu tư vào dệt nhuộm phải tuân thủ quy định liên quan đến môi trường, đòi hỏi chi phí sản xuất tăng lên rất cao, nên cho đến nay tỉnh chưa có nhà máy nhuộm nào.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Bao giờ hết phụ thuộc nguồn nguyên liệu? -0

Nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu

Chính vì thế, ngành dệt may vẫn phải nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải. Ngành may đang phải nhập khẩu từ 60-70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may mạnh về sợi, may nhưng yếu khâu dệt nhuộm; xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về. Bất cập này khiến ngành dệt may của cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng, đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.

Ngoài sợi, nhuộm, các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong qua trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt may; các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... cũng ở trong tình trạng tương tự. Các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may (ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...); các sản phẩm hóa chất hỗ trợ chủ yếu cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); nguyên phụ liệu hỗ trợ chủ yếu cho ngành may như chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo... cũng đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Khó tận dụng các hiệp định thương mại

Đại diện Sở Công thương nêu thực tế, khó khăn nhất với ngành dệt, may nằm ở bài toán nguyên liệu, các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may. Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì tận dụng các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, yêu cầu của Hiệp định CPTPP thì sản phẩm phải rõ ràng nguồn  gốc  xuất xứ từ sợi trở đi.

Thực tế, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển dẫn đến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu vào do tiền chuyên chở, kho vận, bảo hiểm,... tăng lên, chưa kể rủi ro về thời gian nhận hàng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh còn rất hạn chế.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Bao giờ hết phụ thuộc nguồn nguyên liệu? -0

Cần thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

Mục tiêu phát triển công nghiệp Nghệ An trong những năm tới là vừa ưu tiên các ngành có lợi thế cạnh tranh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh các ngành sản xuất thành phẩm cuối cùng… Trong đó, dệt may được tỉnh xác định là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ để phát triển, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Để làm được điều này, Nghệ An cần thu hút nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu nguồn  nguyên liệu đầu vào. 

Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh nghệ An vừa ban hành Quyết định số 41/2022/Qđ-UBND về Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, tuỳ theo các hoạt động hỗ trợ mà có mức chi cụ thể, chẳng hạn: hỗ trợ 100% áp dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ 70% áp dụng trong việc hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Hy vọng đây sự hỗ trợ này sẽ góp thêm nguồn động lực cho các doanh nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển.


Nguồn:Đại Biểu Nhân Dân Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website