Giới thiệu chung

 

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Kinh tế được thành lập. Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2008 lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam".

Dưới đây là các thời điểm thành lập các tổ chức của Ngành trong lịch sử đất nước từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945:

- Sắc lệnh số 29 - B/SL ngày 16 tháng 3 năm 1947 đặt trong Bộ Kinh tế một cơ quan Trung ương điều khiển ngoại thương gọi là "Ngoại thương cục". Ngoại thương cục có một Hội đồng quản trị gồm bốn đại biểu chính thức và bốn đại biểu dự khuyết của bốn bộ Kinh tế, Tài chính, Quốc phòng, Nội vụ.

- Sắc lệnh số 53 - SL ngày 1 tháng 6 năm 1947 cải tổ Ngoại thương cục.

- Sắc lệnh số 54 – SL ngày 11 tháng 6 năm 1947 bãi bỏ Hội đồng Quản trị Ngoại thương và đặt Ngoại giao cục dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ Kinh tế. Đặt trong Ngoại thương cục một: "Hội đồng cố vấn ngoại thương" gồm đại biểu của Bộ Quốc phòng, Tài chính, Canh nông, nếu cần thiết, đại biểu các Bộ khác; đại biểu các Bộ sẽ do các Bộ trưởng cơ quan đề cử.

- Sắc lệnh số 168 - SL ngày 17 tháng 11 năm 1950 thành lập Sở Nội thương.

- Sắc lệnh số 21 - SL ngày 14 tháng 5 năm 1951 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

- Sắc lệnh số 22 - SL ngày 14 tháng 5 năm 1951 thành lập trong Bộ Công Thương một cơ quan kinh doanh lấy tên là Sở Mậu dịch; bãi bỏ Cục Ngoại thương và Sở Nội thương.

- Lệnh của Chủ tịch Nước số 18 - LCT ngày 26 tháng 7 năm 1960 về danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong đó có: Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương. Các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, trong đó có: Tổng cục Địa chất, Tổng cục Vật tư.

- Quyết nghị số 786/NQ/TVQHK6 ngày 11 tháng 8 năm 1969 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chia Bộ Công nghiệp nặng thành hai Bộ và một Tổng cục thuộc Hội đồng Chính phủ: Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Hoá chất; Thành lập Bộ Lương thực và Thực phẩm trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Lương thực với Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tách từ Bộ Công nghiệp nhẹ ra; Thành lập Bộ Vật tư trên cơ sở bộ máy của Tổng cục Vật tư.

- Nghị định số 170/CP ngày 3 tháng 9 năm 1975 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

- Quyết nghị số 1236NQ/TVQHK6 ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chia Bộ Điện và Than thành hai bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than; Chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành hai bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực.

- Nghị định số 62 - HĐBT ngày 21 tháng 6 năm 1983 thành lập Ban Cơ khí của Chính phủ; Nghị định số 105 - HĐBT ngày 26 tháng 9 năm 1983 thành lập Ban Năng lượng của Chính phủ.

- Quyết định số 481-NQ/HĐNN7 ngày 16 tháng 12 năm 1983 của Hội đồng Nhà nước phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học.

- Quyết định số 782NQ/HĐNN7 ngày 16 tháng 12 năm 1987 của Hội đồng Nhà nước: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực; Thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than; Đổi tên Tổng cục Địa chất thành Tổng cục Mỏ và Địa chất.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 28 tháng 6 năm 1988 thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và Uỷ ban Kinh tế đối ngoại; Sáp nhập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học vào Bộ Cơ khí và Luyện kim.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 30 tháng 6 năm 1990 thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư để thống nhất quản lý nhà nước các hoạt động thương nghiệp và dịch vụ; Đổi tên Bộ Cơ khí và Luyện kim thành Bộ Công nghiệp nặng để thống nhất quản lý Nhà nước đối với các ngành cơ khí luyện kim, điện tử, mỏ, địa chất, dầu khí và hóa chất. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục Mỏ và địa chất, Tổng cục Hóa chất và Tổng cục Dầu khí.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 12 tháng 8 năm 1991 đổi tên Bộ Thương nghiệp thành Bộ Thương mại và Du lịch.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 30 tháng 9 năm 1992 quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có: Bộ Thương mại; Bộ Công nghiệp nặng; Bộ Công nghiệp nhẹ; Bộ Năng lượng; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 21 tháng 10 năm 1995 thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 29 tháng 9 năm 1997 quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có: Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp.

- Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII, ngày 31 tháng 7 năm 2007 hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương.