A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho TP HCM trong tình hình dịch bệnh

Cùng với các hệ thống phân phối hiện đại, tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, lượng hàng nông sản cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo cung - cầu (Tại chợ Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn/đêm; 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.200-3.300 tấn/đêm, cung đảm bảo cầu, giá ổn định…).

Công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, theo chức năng nhiệm vụ được giao, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh) chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bệnh Covid-19, cụ thể như:

- Công điện khẩn số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chuỗi siêu thị phân phối lớn trong cả nước;

- Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp;

- Công điện số 2734/BCT-KH ngày 17 tháng 5 năm 2020 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 02 năm 2021 về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản.

- Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch Covid-19.

- Nhiều văn bản chỉ đạo khác của Bộ từ khi dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.

Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch; Thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình cung cầu - lưu thông hàng hóa, tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương nói riêng và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí minh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người dân, trong đó có:

- Xây dựng Kế hoạch bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Trong Kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021 (ban hành tại Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 1/4/2021 của UBND thành phố Hồ Chí Minh), Sở Công Thương cũng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng phương án bình ổn thị trường kết hợp với thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh Covid-19 nhằm chủ động bình ổn thị trường kể cả khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên cả nước và trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 3159/SCT-QLTM ngày 20 tháng 6 năm 2021 gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu, doanh nghiệp bình ổn thị trường về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, theo đó đã yêu cầu bảo đảm cung cấp đẩy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng hóa trên quầy kệ, đẩy mạnh phát triển điểm bán, liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hóa,…

- Ngày 31/5/2021, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 2784/SCT-QLTM về việc bảo đảm nguồn cung thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm 2021 gửi Doanh nghiệp Bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, theo đó đã yêu cầu: (i) các doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh điểm bán, liên kết, phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối để cung ứng hàng hóa, tăng mật độ điểm bán hàng bảo đảm cung ứng ổn định, kịp thời, đủ số lượng theo đơn đặt hàng kể cả trong trường hợp thị trường có biến độ mạnh; tăng cường nhân lực, bố trí trực ban bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời cho hệ thống phân phối khi có yêu cầu đột xuất: (ii) các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố cần áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm các điểm bán hàng hoạt động liên tục, không gián đoạn, liên tục cập nhật kệ hàng, không để kệ trống, đặc biệt là các mặt hàng bình ổn thị trường, các mặt hàng thiết yếu…

- Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 22 tỉnh thành Đông Tây Nam Bộ ngày 17/6/2021 về công tác trao đổi thông tin 2 chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, bảo đảm lưu thông vận chuyển và cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 22 tỉnh Đông Tây Nam Bộ, Sở Công Thương các địa phương đã thống nhất thiết lập đường dây nóng để tập trung xử lý các trường hợp khó khăn phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch và vận chuyển, cung ứng hàng hóa.

- Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 3175/SCT-QLTM ngày 21/6/2021 về việc đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến, trong đó thông báo danh sách điểm bán hàng các mặt hàng thiết yếu có hình thức giao hàng trực tuyến tại thành phố (danh sách có 2.550 điểm bán hàng trực tuyến được đăng tải trên website của Sở Công Thương http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn và có các thông tin rất chi tiết về tên điểm bán, địa chỉ, số điện thoại, thời gian hoạt động, hình thức giao hàng trực tuyến…); đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, lãnh đạo các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tập trung phối hợp thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã chủ động trao đổi, cập nhật thông tin với các đơn vị chủ quản các hệ thống siêu thị, cửa hàng lương thực, thực phẩm của thành phố về tình hình các điểm bán lẻ đang bị phong tỏa, cách ly để chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm hoạt động cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Nguồn cung hàng hóa ổn định

Trên cơ sở các kế hoạch đã xây dựng và chuẩn bị, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng cung ứng của hệ thống phân phối của thành phố. Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động lớn. Tại một số khu vực chuẩn bị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhu cầu mua hàng có tăng nhưng nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đồng thời, Sở Công Thương cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đến nay, hạ tầng thương mại, phân phối, bán lẻ đã có hệ thống điểm bán đa dạng với khoảng 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và trên 2.700 cửa hàng bán lẻ. Các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp... tham gia Chương trình bình ổn thị trường được yêu cầu luôn sẵn sàng dự trữ và cung ứng hàng hóa tương ứng với từng kịch bản phòng chống dịch Covid-19 của thành phố. Ghi nhận thực tế tại một số điểm bán trong các hệ thống siêu thị Co.opmart, Tops Market, MM Mega Market, Bách hóa xanh… cho thấy, hàng hóa được chuẩn bị khá đa dạng, phong phú. Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn hình thực mua hàng trực tuyến tại 2.550 điểm bán hàng các mặt hàng thiết yếu có hình thức giao hàng trực tuyến tại thành phố như danh sách Sở Công Thương đã công bố.

Cùng với các hệ thống phân phối hiện đại, tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, lượng hàng nông sản cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo cung - cầu (Tại chợ Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn/đêm; 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.200-3.300 tấn/đêm, cung đảm bảo cầu, giá ổn định…).

Hiện nay, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website