Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu năm 2024
Chiều ngày 3/1/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong nước nhằm triển khai Công điện 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời triển khai kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 cho các doanh nghiệp.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ủy quan Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Các Hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Nguồn cung xăng dầu được bảo đảm trong năm 2023
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh đã báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và phân giao tổng nguồn năm 2024. Theo đó, năm 2023, việc điều hành xăng dầu trong nước của Bộ Công Thương và thực hiện tổng nguồn phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước hồi phục chậm hơn so với dự báo, tình hình biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới; Bộ Công Thương điều chỉnh tăng tổng nguồn phân giao tối thiểu cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn hàng khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng sản xuất trong 55 ngày để bảo dưỡng bắt đầu từ ngày 25/8; Tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, GDP cả năm 2023 dự kiến chỉ tăng 5% (kế hoạch năm 2023 GDP tăng 6,5%) đã ảnh hưởng đến mức tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, cùng sự nỗ lực của các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn, trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước cả năm 2023 khoảng 10,2 triệu tấn.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; căn cứ vào đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Hội nghị cũng được nghe ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại diện Ủy ban nhân dân, Sở công Thương các tỉnh, thành phố và một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 và các giải pháp triển khai đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2024, các thuận lợi, khó khăn và một số đề xuất, kiến nghị.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất nhận định năm 2023 là năm vô cùng khó khăn với nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là hiện tượng đứt gãy nguồn cung, giá cả thiếu ổn định của các mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu, nhưng việc cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước bảo đảm thực hiện khá tốt. Bên cạnh đó, việc điều hành giá cả xăng dầu đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, các Bộ, Ngành chức năng, đặc biệt là liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rất tốt, thực hiện đúng quy định và giải quyết được vấn đề khó, vướng mắc của các doanh nghiệp phản ánh trước đó. Các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu cơ bản thỏa đáng với cách điều hành của Chính phủ và của liên bộ. Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung được duy trì ổn định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ cơ bản đã chấp hành các quy định của pháp luật và chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng. Việc cung ứng xăng dầu nói chung khá ổn định.
“Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đều nỗ lực rất cao, sản xuất vượt trên công suất thiết kế, ngay cả doanh nghiệp xăng dầu Nghi Sơn, nếu như năm trước khó khăn là vậy, năm nay vướng vào thời kỳ bảo dưỡng định kỳ nhưng các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, cung cấp ra thị trường sản lượng cao hơn cam kết. Điều này đã góp phần bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho cả nước. Đây là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh các doanh nghiệp Bình Sơn, Nghi Sơn và cũng là nỗ lực chung của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam”- Bộ trưởng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tư lệnh ngành Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Cụ thể, một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi thực hiện chưa tốt.
Không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, chiến tranh thương mại, địa chính trị, khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu; nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có một phương án tình thế, phương án dự phòng để trong mọi tình huống chúng ta thực hiện được mục tiêu của mình.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích và cho rằng, kịch bản điều hành của chúng ta không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để xem xét kế hoạch điều hành cho những tháng tiếp theo.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách tuy có thay đổi theo hướng tiếp cận nhiều hơn với thị trường nhưng chưa thay đổi một cách đột ngột như mong muốn. Theo người đứng đầu ngành Công Thương, chúng ta mong muốn phải theo thị trường hoàn toàn nhưng đây là vật tư chiến lược và vật tư hàng hóa có tác động rất lớn đến chỉ số CPI, ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên, chúng ta vẫn phải vừa vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vừa phải bảo đảm vai trò nhà nước trong việc quản lý điều tiết các mặt hàng này.
Từ đánh giá, nhận định về bối cảnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chung cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh đó là: Trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.
Theo đó, để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan, đơn vị, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng yêu cầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Pháp luật hiện hành. Đồng thời phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, liên bộ, từng Bộ, địa phương trong đó có quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, Ngành hữu quan và cấp ủy, chính quyềnđịa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành mặt hàng xăng dầu, nhất là việc chủ động hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu, tiến hành việc thanh kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình và xử lý trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý theo đúng chức trách, nhiệm vụ quy định tạiNghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu và theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả là những cơ chế đặc thù để bảo đảm trong mọi tình huống, không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu và không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, tình trạng khó hoạt động, thậm chí là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, tích cực phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ nội dung của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước.
Đề nghị Hiệp hội xăng dầu thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc hướng dẫn các hội viên thực hiện các quy định của Nhà nước và thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành. Bởi Hiệp hội là tiếng nói của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ bao gồm: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và công nghệ, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Công Thương địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, từ doanh nghiệp đầu mối đến thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, Ngành và địa phương để kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.
Đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương, nhất là Hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối phải làm tốt công tác truyền thông; chủ động phối hợp cung cấp thông tin một cách khách quan, đầy đủ và chính thống cho hệ thống báo chí, truyền thông để xã hội hiểu và chia sẻ trong việc quản lý, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho đất nước. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, trong khi chưa sửa toàn diện Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu thì có thể xem xét xử lý một số tình huống khẩn cấp nếu có, những vướng mắc, bất cập theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi lời cám ơn đến các Bộ, Ngành, các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp đã có sự phối hợp tốt trong năm qua để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, bày tỏ hy vọng, các bên cùng phối hợp tốt để cố gắng phát huy thành tích và rút kinh nghiệm, khắc phục nghiêm túc kịp thời những hạn chế, thiếu sót để đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2024 và những năm tiếp theo đạt mục tiêu đề ra.