A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 06-NQ/TW).

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; đại diện các ban, bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến do Thứ trưởng Đặng Hoàng An - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ chủ trì tại điểm cầu Bộ Công Thương. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu chính của Văn phòng Trung ương Đảng.

Dự hội nghị có các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, Bí thư (Phó bí thư) các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trình bày báo cáo về những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: TTXVN

Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2 vào năm 2025, khoảng 8-10 m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25-30% vào năm 2025, 35-40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Việc ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đô thị hóa và phát triển đô thị cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để đạt được những mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hài hòa giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị bền vững

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có tham luận về nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham luận tại Hội nghị 

“Với nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị, Nghị quyết số 06-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm đầu tiên của giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục cụ thể mục tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Để cụ thể hóa mục tiêu là năm 2025 đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 trên 50%, đến 2045 đạt tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, căn cứ 6 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, với trách nhiệm là của cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai đồng bộ, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết 06 kết hợp với Nghị quyết chuyên đề quan trọng khác của Bộ Chính trị như Nghị quyết định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia (Nghị quyết số 23) và chính sách phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55).

Từ phương hướng tiếp cận nêu trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu lên một số nhiệm vụ và giải pháp được Bộ Công Thương xác định, triển khai để kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới.

Một là, cụ thể hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 06 và Chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết số 06 để tạo nhận thức chung tới cán bộ, công chức và người lao động ngành Công Thương cùng hành động, thống nhất triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hai là, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các địa phương cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung tích hợp quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị với quy hoạch cấp tỉnh để phân bổ không gian phát triển công nghiệp bám sát định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế từng vùng, từng địa phương theo hướng tập trung, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh.

Ba là, xây dựng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo từng ngành, lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách phát triển đô thị, vùng, địa phương theo nguyên tắc kinh tế thị trường, cụ thể hóa sự liên kết, phân định và chia sẻ chức năng phát triển công nghiệp nội vùng và giữa các vùng. Phát huy hiệu quả vai trò, động lực dẫn dắt của phát triển công nghiệp trong các đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Phát triển công nghiệp phù hợp với nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm kinh tế đô thị kết hợp cùng các chính sách phát triển công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt dẫn dắt nền kinh tế quốc dân.

Bốn là, xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế cụ thể theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. Để phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các cùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics có khả năng trở thành động lực tăng trưởng.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, Bí thư (Phó bí thư) các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Công Thương

Năm là, tạo lập các động lực tăng trưởng mới và thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng để thực hiện công nghiệp hóa, phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng xây dựng các chính sách thúc đẩy việc chuyển dịch các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Chủ động loại bỏ, hạn chế phát triển hoạt động công nghiệp có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, chuẩn an toàn thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng lãng phí tài nguyên.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương tham khảo để sớm triển khai một số giải pháp như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên, nguyên vật liệu, về môi trường, về an toàn theo hướng nâng cao hơn, tiệm cận dần tới cấp độ của các nước công nghiệp phát triển nhằm tăng khả năng xuất khẩu và bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và công nghệ, thiết bị và sản phẩm công nghiệp và loại bỏ, không cho phép, hạn chế đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật bảo vệ môi trường, Luật an toàn thực phẩm, Luật an toàn vệ sinh lao động.

Thêm vào đó, xây dựng chính sách hỗ trợ thu cũ, đổi mới sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng hết hạn sử dụng cho dù có được nâng cấp.


Tác giả: Mai Anh - Nguyễn Hường

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website