A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuỗi sản xuất đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

Bước vào Quý IV/2021, với những tín hiệu hết sức tích cực từ “tâm dịch TP HCM” và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”. Các doanh nghiệp cũng tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại của năm.

Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.

Tại tỉnh Kiên Giang, với điều kiện khá thuận lợi đang trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm không để kinh tế năm 2021 tăng trưởng âm.

Bước vào khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, Kiên Giang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 0,5% trở lên; phấn đấu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ 2,5 - 3%, nỗ lực không để kinh tế tăng trưởng âm.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp với hai lĩnh vực chủ lực là lúa và thủy sản, tỉnh đã thu hoạch hơn 4,47 triệu tấn lúa, phấn đấu năm 2021 đạt sản lượng trên 4,5 triệu tấn lúa; tôm nuôi thêm hơn 23.000 tấn để cả năm đạt trên 105.000 tấn, vượt 7.000 tấn so với kế hoạch năm 2021, bù đắp cho những ngành nghề thiếu hụt do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất nhiều loại rau màu và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm, nhất là vào dịp lễ, tết, đón chào năm mới 2022.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, tỉnh phấn đấu trong quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 14.230 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 2.890 tỷ đồng trở lên và Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giải ngân khoảng 11.000 tỷ đồng vốn các dự án để cuối năm đạt 20.000 tỷ đồng.

Kiên Giang chủ động ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tham gia thực hiện chuỗi dây chuyền sản xuất trong các khu và cụm công nghiệp, lưu thông, phân phối, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục để tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Trung ương; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính như: giảm, giãn thuế, tín dụng, bảo hiểm, vay vốn… để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngành chức năng và địa phương phối hợp tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án…

Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương, tỉnh Tiền Giang cũng đang triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 186 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã công nhận phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 78/186 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (chiếm 41,9%) với tổng số lao động thực hiện phương án là 57.163 lao động; 108/186 doanh nghiệp còn lại trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạm dừng hoạt động.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 454/897 doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu, cụm công nghiệp đang hoạt động (chiếm 50,6%). Trong đó, có 91 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 363 doanh nghiệp hoạt động đảm bảo các công tác phòng, chống dịch theo quy định. Các doanh nghiệp còn lại (443/897) doanh nghiệp đã ngừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid 19.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tỉnh hiện có  22  doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó, bao gồm  03  doanh nghiệp  chủ  đầu tư hạ tầng: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh; Công ty IZICO và Công ty Cổ phần Phú Mỹ) đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ cho người lao động đạt 42% (2.926/6.965 lao động). Lũy kế đến thời điểm báo cáo, các doanh nghiệp đã tổ chức khoảng 18 đợt xét nghiệm Covid-19 (theo định kỳ 03 ngày, 05 ngày, 02 tuần) theo định kỳ cho người lao động.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), việc giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Số doanh nghiệp tại miền Bắc, miền Trung cũng giảm công suất 30-50% do giãn cách xã hội, thiếu lao động.

Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động triển khai các giải pháp ổn định sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đồng thời rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Y tế thường xuyên cập nhật và tổ chức các Chương trình tập huấn hướng dẫn 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.

Bộ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực để thường xuyên nắm bắt tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất cũng như lắng nghe các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết hoặc phối hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trên cơ sở nắm bắt chặt chẽ tình hình của các doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như gửi các Bộ, ngành đề xuất các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Tác giả: Anh Quân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website