A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm quế vươn xa

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên trên 139.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 75%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%.

Vùng Quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời nay và gắn liền với cuộc sống của người Dao vùng cao Văn Yên, gồm các xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn. Các xã này nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây Quế Văn Yên. Người Dao nơi đây chịu khó, cần cù, đã gắn bó với cây quế, nghề quế từ lâu đời, do đó những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Nhiều gia đình đã coi quế là thứ “vàng xanh” quý giá, là của để dành cho con cháu muôn đời sau.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm quế Yên Bái

Để giúp người dân khai thác giá trị của cây quế, nhiều năm qua, huyện Văn Yên đã đưa chỉ tiêu trồng quế vào kế hoạch hàng năm; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế tại các xã, thị trấn. Hàng năm diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác trên địa bàn huyện đạt từ 2.000 - 2.500 ha/năm, trong đó chủ yếu là trồng lại sau khai thác.

Nhờ đó đến nay Văn Yên đã hình thành vùng nguyên liệu quế rộng lớn ở khắp 25/25 xã thị trấn với trên 52.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung trên  25.300 ha đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng; trên 4.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000 m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Quế vỏ và tinh dầu được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng.

Quế - Công dụng và cách sử dụng

Các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngoài ra còn nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế rất đa dạng và phong phú với trên 30 loại như hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... ; các sản phẩm chế biến tiểu thủ công nghiệp từ quế như trà quế, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén từ quế.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 chủ đề 'Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu' do Bộ Công Thương tổ chức sáng 28/9, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Còn cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, có phần lớn ở Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ông Phú, đến nay, ngành chế biến quế, hồi, dược liệu Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu từng bước đưa Việt Nam trở thành nguồn cung dược liệu quan trọng trên thế giới, phát triển thành một ngành kinh tế có giá trị.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực tại nhiều quốc gia.


Tác giả: An Đông

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website