A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Giang gặt hái một vụ vải bội thu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, những nỗ lực hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không chỉ giúp Bắc Giang gặt hái được một vụ vải bội thu, mà còn mở ra những cơ hội mới cho nông sản Việt tiếp tục chinh phục thị trường quốc tế.

Đánh dấu một vụ vải thắng lợi

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đến ngày 28/6, tỉnh đã tiêu thụ được gần 192.000 tấn vải thiều, đạt hơn 92,9% tổng sản lượng vải thiều. Hiện chỉ còn vải thiều huyện Lục Ngạn, Sơn Động đang thu hoạch phần còn lại, chủ yếu ở 6 xã trên đèo. Năm 2021, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 200.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với dự kiến ban đầu.

Tại vựa vải Lục Ngạn, đến nay, sản lượng vải đã tiêu thụ 122.000 tấn. Trong đó lượng vải xuất khẩu hơn 36.570 tấn. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 32.200 tấn; thị trường Campuchia, Lào, Malaysia, đạt hơn 4.240 tấn, cao nhất từ trước tới nay; còn lại là thị trường khác. Hiện vải của Lục Ngạn còn khoảng 15.000 tấn. Dự kiến năm nay, huyện Lục Ngạn sẽ kết thúc thu hoạch vải sớm hơn năm trước khoảng 10 ngày.

Bắc Giang gặt hái một vụ vải bội thu
Hiện tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 192.000 tấn vải thiều, đạt hơn 92,9% tổng sản lượng

Theo Huyện ủy Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay, toàn huyện ước đạt tổng thu hơn 4.800 tỷ đồng từ bán vải thiều và dịch vụ phụ trợ. Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những tưởng vải thiều Lục Ngạn sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo của cả người dân lẫn chính quyền địa phương, vải thiều không những tiêu thụ tốt trong nước mà còn vươn xa tới nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.

Xác định, để sản phẩm của gia đình mình đi xa hơn, tiếp cận được với thị trường quốc tế, gia đình anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã triển khai mô hình trồng, chăm sóc vải thiều trong nhà màn theo phương pháp sản xuất hữu cơ. Theo đó, ngoài diện tích được chăm sóc theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, anh Bình đã chọn ra 40 cây vải thiều đẹp nhất trên diện tích 1.000m2 để triển khai trồng thử nghiệm và cho thành công lớn.

Năm nay, diện tích này đã cho sản lượng khá, mẫu mã, màu sắc quả tốt, bảo đảm chất lượng nên đã được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 40.000 đồng/kg, đắt gấp hơn 2 lần so với thị trường. Tuy mới là năm đầu thử nghiệm nhưng sản phẩm của gia đình anh đã được thị trường đón nhận, tiêu thụ thuận lợi. Bên cạnh diện tích nhà màn này, với 10ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năm nay gia đình anh Bình thu được 60 tấn quả, giá bán bình quân 17.000/kg, tổng doanh thu gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng từ bán vải thiều.

“Mặc dù chi phí đầu tư xây dựng nhà màn hơi tốn kém, khoảng 70 triệu đồng/1.000m2, nhưng đầu tư một lần có thể sử dụng từ 5 - 7 năm, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công chăm sóc, và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”- anh Bình bộc bạch.

Tương tự, năm nay, gia đình ông Vi Văn Minh, thôn Hóa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn cũng có sản lượng gần 20 tấn vải thiều. Đến nay, gia đình đã tiêu thụ được hơn 1/2 sản lượng, trong đó có 4 tấn vải chất lượng cao được doanh nghiệp đến tận vườn đặt hàng, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá từ 25 - 30 nghìn đồng, cao hơn khoảng 10 nghìn đồng so với các sản phẩm khác. Năm nay, gia đình ông cũng kịp thu về hơn 400 triệu đồng. Với gia đình ông đây được coi là vụ mùa bội thu, được mùa, được giá.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm nay, toàn huyện có hơn 4.000 hộ dân trồng vải; trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện đều có 315 điểm cân vải thiều; 3.123 lò sấy hoạt động; sản lượng tiêu thụ đạt hơn 9.100 tấn quả/ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết: Chưa bao giờ Bắc Giang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cả nước (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các cơ quan báo chí…) trong tiêu thụ vải thiều như năm nay. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng ưu ái cho vải thiều Bắc Giang, ngoài hỗ trợ giá cước còn dành khoang riêng đưa vải thiều vào thị trường phía Nam. “Sự hỗ trợ đó đã kết nối được nhiều doanh nghiệp, cơ quan thu mua và tiêu thụ vải thiều với số lượng lớn” – ông Tuấn cho hay.

Chinh phục những thị trường khó tính

Mùa vải thiều năm 2021, mặc dù điều kiện thu hoạch và tiêu thụ khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Bắc Giang vẫn duy trì tốt thị trường truyền thống Trung Quốc và xúc tiến đưa vải sang nhiều thị trường mới như: Mỹ, Châu Âu (EU), Lào, Campuchia...; tiếp tục chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - cho biết: Doanh nghiệp này vừa xuất khẩu 1,5 tấn vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Hà Lan. Đây là lần đầu tiên vải thiều tươi Bắc Giang được nhập khẩu chính ngạch vào Hà Lan, bán tại các siêu thị.

Bắc Giang gặt hái một vụ vải bội thu
Vải thiều Lục Ngạn từng bước khẳng định được vị thế, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe nhất của khách hàng và đối tác quốc tế.

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, vải thiều Bắc Giang cũng đã đại diện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang EU qua mô hình “thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng số của Việt Nam, do người Việt Nam vận hành. Hiện nay, vải thiều của Việt Nam đang được bán tại các nước Châu Âu, Châu Úc, Nhật Bản... với giá từ 340.000-450.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm nay, tuy dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát, diễn biến phức tạp tại huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang tại thời điểm trước và trong vụ tiêu thụ vải thiều, nhưng đã đánh dấu nhiều bước đột phá lớn, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Ngoài các thị trường truyền thống như chợ đầu mối tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc, năm nay vải thiều Lục Ngạn còn được giới thiệu, đưa lên quảng bá, bán hàng tại các sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo (FPT), voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) và dacsanlucngan.vn. Không chỉ trong nước, vải thiều còn được giao dịch sôi động tại các nước châu Âu thông qua sàn thương mại voso của viettelpost.

Ngoài ra, vải thiều Lục Ngạn còn được xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch, được người tiêu dùng Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Đức... đón nhận. Đây đều là là những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á với số lượng hàng chục nghìn tấn cũng là một điểm nhấn quan trọng, tạo nên sự thành công của vụ vải thiều.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Việc vải thiều được giao dịch, tiêu thụ sôi động trên các sàn giao dịch điện tử và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Úc đã khẳng định chất lượng, vị thế của vải thiều Lục Ngạn đã đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe nhất của khách hàng và đối tác. Các sự kiện này đã góp phần nâng tầm thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên trường quốc tế, giúp sản phẩm này được tiêu thụ thuận lợi”.


Nguồn:Báo Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website