Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Cử tri

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Trả lời:

1. Kiến nghị tăng cường kiểm tra việc cấp giấy phép xuất khẩu, kịp thời xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trực tiếp thực hiện việc cấp giấy phép xuất khẩu gạo để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc xin cấp phép kinh doanh lúa gạo nhằm thực hiện kinh doanh những mặt hàng khác làm ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành kinh doanh gạo Việt Nam.

2. Tình trạng sản xuất, vận chuyển mua bán hàng giả một số nơi đang diễn biến phức tạp như: Thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp... gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người. Đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất bổ sung kịp thời các quy định, chế tài cụ thể theo hướng tăng nặng phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, nhằm đảm bảo đủ sức răn đe và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Nội dung trả lời: 

1. Về tăng cường kiểm tra việc cấp giấy phép xuất khẩu

Hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) cho thương nhân, Bộ Công Thương đã kiểm tra kỹ hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân khi đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP .

Sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận, việc tổ chức hậu kiểm sẽ do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân. Kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra.

Ngoài ra, theo kế hoạch định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các cơ quan quản lý tại địa phương tổ chức kiểm tra công tác hậu kiểm duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh của thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân để xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp. Trường hợp không duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận (như Công ty Cổ phần Tập đoàn ĐK Vạn Thịnh có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, Hộ kinh doanh cá thể Hoàng Thị Ngọc Oanh có trụ sở tại tỉnh Quảng Trị,)

2. Về tình trạng sản xuất, vận chuyển mua bán hàng giả

Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Theo đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm; đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các kế hoạch, chương trình công tác đã được lực lượng Quản lý thị trường tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua như: Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Kế hoạch về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm; Kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025...

Kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Đáng chú ý, trong tháng 11/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả tại Hà Nội nhằm giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp trang bị thêm kiến thức để nhận biết hàng thật, hàng giả, qua đó góp phần tích cực vào công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực này.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua được nâng lên, các Bộ ngành, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tại cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng tình hình thực tế, mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sự an toàn, sức khỏe người dân như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp…còn xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Xác định những nội dung trọng tâm là:

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

- Rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, đồng hồ, trang thiết bị vật tư y tế…

- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng đối với đời sống xã hội để mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền về kết quả công tác của các lực lượng chức năng; thông tin kịp thời về các vụ việc vi phạm lớn, điển hình nhằm cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.

- Tăng cường hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, Hiệp hội ngành nghề trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, tập thể và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả. Đồng thời, khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị cử tri tthành phố Cần Thơ. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đ trả lời cử tri.