Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Văn bản số 580/VPCP-QHĐP ngày 22 tháng 01 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:
Trả lời:
1. Cử tri phản ánh hiện nay giá xăng, dầu, gas, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc trừ sâu…tăng cao, kéo theo giá các mặt hàng hàng khác cũng tăng rất cao làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh tế của người dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ, bình ổn giá cả thị trường, tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát thị trường, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
2. Cử tri phản ánh thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên nhân do chi phí sản xuất bị tăng mạnh sau dịch nhưng doanh thu, lợi nhuận không đáng kể. Để từng bước phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách quản lý các hình thức khuyến mãi kích cầu mua sắm của người tiêu dùng để đảm bảo cạnh tranh công bằng, thúc đẩy kinh tế phát triển; kiểm tra giám sát thị trường để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến hoạt động các doanh nghiệp.
Nội dung trả lời:
1. Về chính sách hỗ trợ, bình ổn giá
1.1. Bình ổn giá xăng dầu
Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP) và chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt nhằm giảm thiểu sự tác động đến mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch và đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trước diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới liên tục có diễn biến tăng cao do ảnh hưởng của địa chính trị giữa các quốc gia sở hữu dầu mỏ trên thế giới (đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine), tồn kho dầu thô giảm mạnh, nhu cầu tăng cao do các nước triển khai các chương trình phục hồi kinh tế, trong khi nguồn cung gặp khó khăn gây ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu, giá xăng dầu trên thị trường thế giới và theo đó ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương – Bộ Tài Chính đã thực hiện điều chỉnh mức trích lập và liên tục chi sử dụng Quỹ BOG nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước (kể từ kỳ điều hành ngày 11/01/2022 đến nay đã chi từ 100-1.500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu trong nước được thực hiện theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới, do đó giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng thấp hơn giá xăng dầu thế giới (từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng 44-60% trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,9-39,6%).
Hiện số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, do đó thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát các loại thuế phí trong cơ cấu giá xăng dầu trong nước để kết hợp sử dụng các công cụ khác để bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, hiện Bộ Tài chính đang hoàn tất các thủ tục để trình UBTVQH quyết định giảm thuế BVMT với mức giảm khoảng 50% mức thuế hiện hành nhằm giảm mức tăng của giá xăng dầu. Thời gian tới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo hướng phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước, sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để bình ổn giá xăng dầu, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Ngoài ra, bên cạnh công cụ Quỹ BOG, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu để có cơ sở bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.
Về việc công khai, minh bạch nguyên tắc sử dụng Quỹ BOG, nguyên tắc điều hành giá và sử dụng Quỹ BOG được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và các thông tư liên tịch hướng dẫn có liên quan. Ngoài ra, Ngày 18 tháng 11 năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo đó sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thực hiện trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, Thông tin về điều hành giá xăng dầu, giá xăng dầu thành phẩm thế giới, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công Thương công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương và thông tin đến các đơn vị báo chí, truyền thông để đưa tin tới người dân, doanh nghiệp biết và giám sát.
1.2. Về bình ổn giá phân bón
Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do (i) Giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics do giãn cách xã hội tăng cao; (ii) Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng đã làm tăng giá thành sản phẩm; (iii) Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Để bình ổn giá mặt hàng này, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước với giá hợp lý, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón. Bộ Công Thương cũng đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa… Nguồn cung phân bón (đối với các loại phân bón cơ bản như Ure, NPK…) hiện vẫn được đảm bảo, giá bán biến động theo quy luật thị trường và không xảy ra tình trạng “thiếu hàng, sốt giá” hoặc “găm hàng, chờ tăng giá”…
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là chương trình bình ổn thị trường; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá tăng - giảm bất hợp lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá; Đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
2. Về giải pháp khôi phục sản xuất và lưu thông hàng hóa
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện vai trò Cơ quan thường trực Tiểu ban Sản xuất và Lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ.
Trong thời gian vừa qua, Bộ đã tích cực phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành các hướng dẫn bảo đảm sản xuất an toàn thích ứng với dịch Covid-19 - tiêu biểu là đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Bộ Công Thương cũng đã thành lập các Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các địa phương, đồng thời thường xuyên tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến với các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực (như cơ khí, điện tử, ô tô, dệt may, da – giày, giấy, đồ uống, thuốc lá…) để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ cũng đã triển khai hiệu quả công tác bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ sản xuất, duy trì hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn, quan trọng, góp phần bảo đảm “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành tốt các công tác bảo đảm và duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá theo các nhiệm vụ được Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phân công, trong đó đẩy mạnh tham gia các hoạt động kiểm tra giám sát thị trường để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến hoạt động các doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.
3. Về mở rộng thị trường, khuyến khích tiêu dùng trong nước
Do tác động của dịch Covid-19 thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản, thuỷ sản đều gặp khó khăn tại thị trường trong nước và xuất khẩu do nhu cầu giảm bởi thực hiện giãn cách xã hội, nên hiện tượng ùn ứ nông sản, giá nông sản xuống thấp, nhưng nơi có nhu cầu lại thiếu hàng đã diễn ra, để từng bước phục hồi kinh tế, khắc phục tình trạng trên Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp:
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hạn chế tình trạng nông sản bị ách tắc trong lưu thông; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn các kịch bản, kế hoạch tiêu thụ nông sản để ứng phó theo từng cấp độ của dịch bệnh Covid-19; thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và 02 Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương: tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.
- Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm nông sản, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi; Tổ chức kết nối các HTX, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước chung tay tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp:
+ Làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối nông sản trong nước để phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hệ thống phân phối này tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước. Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nông sản nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử, tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế và nhà xuất khẩu thông qua việc tổ chức chuỗi các Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tiêu thụ các hàng hóa, đặc sản địa phương như: vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, xoài Sơn La, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và tây Nguyên.
+ Đẩy mạnh xúc tiến phân phối hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên nền tảng trực tuyến: chỉ đạo, hướng dẫn các sàn thương mại điện tử hỗ trợ tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh nông sản phát triển kênh tiêu thụ mới cho hàng nông sản nói chung và vải thiều nói riêng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost) và Lazada; Vận động và được các sàn thương mại điện tử đều tích cực hưởng ứng hỗ trợ tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản trên website bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản.
+ Ký kết hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) và Tiki.vn để triển khai xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất Việt, doanh nghiệp Việt, sản phẩm hàng hóa Việt thực hiện tiêu thụ hàng hoá trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng trực tuyến. “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” là nơi tập hợp các hàng hóa sản phẩm chất lượng, tiêu biểu của các tỉnh, địa phương trên cả nước trên nhiều lĩnh vực: sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, đặc sản địa phương, đồ gia dụng, công nghiệp tiêu dùng… ).
- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống. Bộ Công Thương đã nhanh chóng, sáng tạo, ứng dụng thực hiện các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam (các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số.
- Khuyến nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ như: giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân; Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển rà soát các loại phí dịch vụ thu trực tiếp hoặc gián tiếp từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu để có các biện pháp hỗ trợ giảm các loại phí trong thời gian container lưu tại cảng.
- Chỉ đạo các tham tán Việt Nam tại nước ngoài tích cực quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu nông sản: Vận động đầu mối nhập khẩu tại nước sở tại tham gia Hội nghị và các phiên giao thương trực tuyến do Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh chủ trì tổ chức..., cập nhật thông tin, biến động thị trường, cơ hội xuất khẩu cung cấp cho các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội chủ động có kế hoạch ứng phó với các biến động cũng như khai thác các cơ hội thị trường; Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trên cả nước nói chung.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức như: cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, viết bài đăng trên các báo để truyền thông những chính sách, chỉ đạo của Bộ Công Thương đối với việc ổn định hàng hóa, cung cầu thị trường trong nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm chống dịch. Tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng của Việt Nam nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp.
- Tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi cả nước. Thông qua chương trình, các thương nhân sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Địa phương và doanh nghiệp sẽ triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ và lễ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phát triển du lịch.
4. Về quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường
Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Theo đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm; đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các kế hoạch, chương trình công tác đã được lực lượng quản lý thị trường tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua như: Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Kế hoạch về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm; Kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua được nâng lên, các Bộ ngành, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tại cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng tình hình thực tế và mong muốn của Chính phủ, kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sự an toàn, sức khỏe người dân như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…còn xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
- Rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, đồng hồ, trang thiết bị vật tư y tế…
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành các quy định về chất lượng, hoá đơn, nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng.
- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng đối với đời sống xã hội để mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền về kết quả công tác của các lực lượng chức năng; thông tin kịp thời về các vụ việc vi phạm lớn, điển hình nhằm cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.
- Tăng cường hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, tập thể và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả. Đồng thời, khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri.