Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Cử tri

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Trả lời:

1. Điểm d khoản 4 Điều 19 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về một số hoạt động xúc tiến thương mại, quy định về thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại có “Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, có những đơn vị khuyến mại với số lượng rất nhiều mặt hàng, do đó, quy định như trên gây khó khăn cho thương nhân thực hiện và không có hiệu quả trong công tác quản lý. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi theo hướng: Bỏ thành phần hồ sơ trong thực hiện thủ tục đăng ký thực hiện khuyến mại quy định tại điểm d khoản 4 Điều 19 nêu trên. Đồng thời, bổ sung vào bản đăng ký thực hiện khuyến mại và thể lệ chương trình khuyến mại nội dung: “Thương nhân thực hiện khuyến mại cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa khuyến mại, không khuyến mại hàng giả, hàng kém chất lượng và các mặt hàng không được khuyến mại theo quy định (tại mục 1 và 2, Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP này), nếu sai phạm thương nhân sẽ chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành (về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng)”.

2. Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi hoặc thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Vì hiện nay, căn cứ pháp lý ban hành các Nghị định này đã thay đổi, nhiều nội dung quy định không còn phù hợp thực tiễn.

 3. Đề nghị Bộ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo khoản 2 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Đồng thời xem xét bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Sở Công Thương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phù hợp với quy định của Luật (Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định 03 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP thì Sở Công Thương không có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm).

4. Năm 2009, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp giấy chửng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ (MATEXIM) triển khai dự án Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình, dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2013. Tuy nhiên, vì nhiêu nguyên nhân khác nhau, từ năm 2016 đến nay Nhà máy luyện kim phi cốc đã ngừng hoạt động. Cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam đôn đốc Công ty MATEXIM khẩn trương đưa Nhà máy hoạt động trở lại. Trong trường hợp không tô chức hoạt động sản xuất trở lại được thì trả lại đất đã thuê cho tỉnh để tránh lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách của địa phương, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nội dung trả lời: 

1.  Đối với kiến nghị về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về một số hoạt động xúc tiến thương mại:

Quy định về thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại có “Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật” (tại điểm d khoản 4 Điều 19 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP) về nguyên tắc nhằm góp phần đảm bảo phục vụ cho công tác tiền kiểm tránh việc thương nhân thực hiện khuyến mại đối với những hàng hóa, dịch vụ bị pháp luật cấm khuyến mại hoặc chưa được phép lưu thông/chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, qua quá trình rà soát các hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại, Bộ Công Thương đã phát hiện ra những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hoặc giấy tờ về chất lượng của sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm thuốc chữa bệnh) đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, qua trao đổi của Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nhận thấy đối với những chương trình khuyến mại có hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ được khuyến mại thì việc thương nhân nộp hồ sơ và cơ quan quản lý nhà nước rà soát hồ sơ về giấy tờ chất lượng hàng hóa là rất khó khăn, khó khả thi trong điều kiện giới hạn về thời gian xử lý thủ tục hành chính và nhân lực, không thực sự đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước và việc thực thi quy định của pháp luật trong tình hình thực tiễn hiện nay. Do đó, trên tinh thần cải cách hành chính, Bộ Công Thương tiếp thu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng vừa đảm bảo chất lượng của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại theo đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quá trình rà soát hồ sơ về giấy tờ chất lượng hàng hóa của cơ quan quản lý nhà nước được dễ dàng hơn, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại.

2. Đối với kiến nghị về sửa đổi hoặc thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ:

Bộ Công Thương đã báo cáo và được Chính phủ thông qua việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ theo trình tự, thủ tục thông thường. Theo đó, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định, thành viên gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Sau khi hoàn thành dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã tô chức xin ý kiến tại Công văn số 8387/BCT-TTTN ngày 27/12/2021 và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương.

Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được 60 ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố và đang đôn đốc để tiếp tục nhận được đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan. Các ý kiến đóng góp và các kiến nghị của cử tri đã được Bộ Công Thương tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Đối với các kiến nghị liên quan đến an toàn thực phẩm

- Khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải thực hiện việc gửi bản cam kết đến cơ quan có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn. 

Theo khoản 6 Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chức năng tại địa phương chủ động tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh về mẫu bản cam kết dựa trên các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tương ứng được quy định tại Luật An toàn thực phẩm.

- Về chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tại điểm i, khoản 4, Điều 2  đã quy định nhiệm vụ của Sở Công Thương về an toàn thực phẩm như sau: “Sở Công Thương có nhiệm vụ triển khai thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành sau khi được phê duyệt, gồm: công nghiệp tiêu dùng (dệt - may, da - giầy, giấy, sành sứ, thủy tinh, nhựa); công nghiệp thực phẩm (rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ); hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm công nghiệp, an toàn vệ sinh, môi trường công nghiệp; triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương và các sản phẩm khác, an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở; hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công thương trên địa bàn”.

4. Đối với kiến nghị về triển khai dự án Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình

Năm 2011, Công ty Cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ (Matexim) khởi công thực hiện đầu tư dự án “Nhà máy luyện kim phi cốc, công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm” tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với tổng mức đầu tư 549,637 tỷ đồng, dự án hoàn thành và bắt đầu sản xuất từ tháng 9 năm 2013, đến tháng 12 năm 2015 Matexim phải dừng sản xuất do không hiệu quả, sản lượng thấp và giá thành lớn hơn giá bán.

Việc dự án Nhà máy luyện kim phi cốc dừng sản xuất dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Matexim khó khăn, phát sinh chi phí lãi vay và áp lực trả nợ đối với các khoản vay để đầu tư dự án. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên doanh thu và hiệu quả kinh doanh 03 năm gần dây (năm 2019, năm 2020 và năm 2021) của Matexim sụt giảm nghiêm trọng so với năm 2018.

Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - doanh nghiệp hiện nắm giữ tỷ lệ sở hữu 51,99% tại Matexim - khẩn trương xây dựng phương án khôi phục hoạt động của Nhà máy luyện kim phi cốc theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả của dự án, bảo toàn vốn đầu tư của VEAM tại dự án cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, VEAM đã xây dựng một số phương án chi tiết để khôi phục lại hoạt động của Nhà máy, tuy nhiên, các phương án nêu trên cần được phối hợp đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế của Nhà máy.

Bộ Công Thương ghi nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn và sẽ tiếp tục khẩn trương đôn đốc VEAM phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có phương án phục hồi sản xuất Nhà máy. Trong quá trình nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bắc Kạn phối hợp chặt chẽ với Bộ để đánh giá hiệu quả dự án và tạo điều kiện để Matexim triển khai sau khi phương án được xem xét thông qua.

Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn để trả lời cử tri.