Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Cử tri

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Trả lời:

1. Cử tri và Nhân dân, đặc biệt là các Nhà đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục có phương án trình Chính phủ lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá cố định đối với điện gió thêm 06 tháng cho các dự án chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

2. Cử tri tiếp tục kiến nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí để sớm đưa Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 vào vận hành; Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, kiến nghị Bộ làm việc với Nhà đầu tư để xác định khả năng triển khai thực hiện dự án, giải quyết dứt điểm các vướng mắc (nếu có). Nếu không thực hiện, tiếp tục xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có năng lực, kinh nghiệm thực hiện; đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3, kiến nghị sớm xem xét lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện Dự án nhằm tránh tình trạng đầu tư công không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách Nhà nước (ý kiến đã được tổng hợp trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV). 

Nội dung trả lời: 

1. Đối với kiến nghị về lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá cố định đối với các dự án điện gió

Theo quy định tại khoản 7, Điều 1 Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 26/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam (Quyết định 39), thời hạn áp dụng giá mua bán điện gió tại Quyết định 39 được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021.

Đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 3.987 MW điện gió đang vận hành theo cơ chế giá bán điện cố định (giá FIT).

Cơ chế giá bán điện cố định (giá FIT) là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. Việc kéo dài thời gian áp dụng chính sách giá FIT là không phù hợp bởi: (i) Không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ; (ii) Hiện nay giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và có xu thế tiếp tục giảm trong khi hiệu suất công nghệ tăng.

Bộ Công Thương đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy định chuyển tiếp theo hướng: với các dự án trong quy hoạch được phê duyệt, đã có Chủ trương đầu tư đến thời điểm này (ngày 26/01/2022) và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện FIT quy định tại Quyết định 39, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương.

2. Đối với các kiến nghị liên quan đến các Nhà máy Nhiệt điện Long Phú

Ngày 31/12/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản số 8675/BCT-KH gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng để trả lời cử tri đối với kiến nghị này. Cụ thể như sau:

- Về dự án nhiệt điện Long Phú 1: Dự án đã phát sinh nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc lớn nhất liên quan đến lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Công ty Power Machines của Nga.

Thường Trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo giải quyết vướng mắc của Dự án tại Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 10 tháng 12 năm 2019. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ trưởng) để tham mưu cho Thủ tướng giải quyết các vướng mắc.

Tổ công tác đã họp với phía Liên bang Nga và yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương đàm phán, thống nhất với Công ty Power Machines để tìm giải pháp cho Dự án. Đồng thời Tổ công tác đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thường xuyên đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo kết quả đàm phán và phương án cuối cùng thực hiện Dự án, kịp thời báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết các vướng mắc.

- Về dự án nhiệt điện Long Phú 2, 3: Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Trong lần tính toán này, Bộ Công Thương xem xét tới các yếu tố: (i) Xem lại việc phát triển nhiệt điện than; (ii) Đưa ra khỏi tính toán cân đối đảm bảo an ninh năng lượng công suất nguồn điện mặt trời do số giờ vận hành hạn chế (tương đương 4 giờ/ngày), chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng; (iii) Phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; (iv) Tính toán cân đối nguồn - tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa; (v) Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, việc triển khai Dự án nhiệt điện Long Phú 2, 3 cũng được tính toán, xem xét.

Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng để trả lời cử tri.