Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Cử tri

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Trả lời:

1. Những ngày qua, tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng chống dịch) đang gây nhiều lo lắng cho người dân và doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, Trung Quốc có quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó có nhiều quy định mới, thắt chặt hơn liên quan đến nhiều mặt hàng nông sản, nguy cơ hàng hóa trong nước không xuất được sang thị trường Trung Quốc nhiều khả năng tiếp diễn. Cử tri kiến nghị có biện pháp kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nghiên cứu áp dụng kỹ thuật canh tác, sản xuất đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe trong xuất khẩu.

2. An giang là tỉnh biên giới đầu nguồn, hằng năm thường xuyên bị lũ lụt; xa cảng biển từ đó chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao nên khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó Nhân dân, chính quyền An Giang phải thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao như bảo vệ biên giới, giữ vững biên cương, duy trì diện tích lớn lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nguồn lực đầu tư không tương xứng, đề nghị có quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.  

Nội dung trả lời: 

1. Đối với kiến nghị về giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid, nhất là mặt hàng nông sản

a) Lý do ùn tắc:

Năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhờ có sự vào cuộc kịp thời, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nên việc lưu thông hàng hóa qua biên giới phía Bắc về cơ bản vẫn được bảo đảm. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc 11 tháng năm 2021 đạt 1,7 tỷ USD, vẫn tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020; trong đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn tăng 32,5%; qua cửa khẩu Móng Cái tăng tới 62% so với cùng kỳ.

Tình hình chỉ chuyển biến xấu từ tháng 12/2021 tới nay, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là từ khi phía Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid tại khu vực biên giới. Mặc dù ta đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại. Họ chủ động tăng cường các biện pháp quản lý như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn. Đặc biệt, chỉ cần phát hiện dấu vết virus trên hàng hóa hoặc bao bì là phía bạn dừng ngay hoạt động thông quan để tiến hành khử khuẩn toàn khu vực. Nếu phát hiện ca nhiễm Covid thì đóng cửa khẩu và thực hiện giãn cách xã hội để tầm soát, khoanh vùng, dập dịch. Các cặp cửa khẩu quan trọng cho hoạt động XNK như Hà Khẩu - Kim Thành (Lào Cai), Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh), thậm chí là cả cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều bị tạm dừng thông quan vì lý do này.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc.

b) Các giải pháp đã triển khai thực hiện:

Trước tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc xảy ra vào thời điểm tháng 12/2021, và đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh biên giới đã rất tích cực vào cuộc để xử lý tình trạng ùn tắc này. Cụ thể:

- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần gửi thư cho các đối tác Trung Quốc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tổ chức hội đàm với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ách tắc tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và ngày 13/01/2022 đã trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, trong đó có việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.

- Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai. Đồng thời, gấp rút tổ chức họp Ban Chỉ đạo, đi kiểm tra chỉ đạo trực tiếp và có văn bản gửi các Bộ, ngành đề nghị cùng phối hợp thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021, Thông báo số 08/TB-VPCP và Thông báo số 56/TB-VPCP.

- Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hoá; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác thông tin, điều tiết, đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; Phối hợp với các địa phương biên giới trong hoạt động thông tin, điều tiết lưu thông, thông quan hàng hoá tại cửa khẩu; chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc tạo điều kiện nâng cao hiệu suất thông quan, mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đồng thời đẩy mạnh khuyến nghị xuất khẩu chính ngạch.

- Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững báo cáo Chính phủ thảo luận, ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

- Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2021 về việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

- Công tác thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương cũng được tăng cường thực hiện, hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. Nhiều giải pháp mới, cách làm mới đã được các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp cùng Bộ Công Thương triển khai, trong đó có các hội nghị giao thương, phổ biến và đào tạo trực tuyến về các cam kết FTA mà Việt Nam tham gia.;

- Khuyến cáo các Hiệp hội, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, trong bối cảnh dịch Covid-19.

c) Kế quả đạt được:

Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới trước Tết Nguyên đán đã có sự cải thiện đáng kể. 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta. Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Năm 2021, xuất khẩu của cả nước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại có xuất siêu 4,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 28 tỷ USD, tăng 12%. Giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã tăng mạnh trong năm 2021 như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%; cao su tăng 23%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%; cà phê tăng 12,3%; gạo tăng 5,5%; chè tăng 4,6%.

d) Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Kể từ sau Tết Nguyên đán, do phía Trung Quốc bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid tại khu vực biên giới nên cặp cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành đã tạm dừng thông quan từ 17/02/2022 để tầm soát - khoanh vùng - dập dịch. Cặp cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái tạm dừng từ 25/02/2022 và gần đây nhất cửa khẩu Hữu Nghị cũng tạm dừng thông quan từ 6/3/2022 với lý do tương tự. 

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Bước sang năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch Covid-19, cũng như những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

e) Giải pháp trong thời gian tới

- Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.

- UBND các tỉnh biên giới phía Bắc (i) tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu để hai bên cùng yên tâm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan; (ii) chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

- Thực hiện nghiêm túc phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”. Theo đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc.

- Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…) để tận dụng các kênh xuất khẩu khác như đường biển, đường sắt.

- UBND các địa phương vùng trồng, vùng nuôi thủy sản cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu này; đồng thời, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, thuỷ sản trên địa bàn (i) chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng (có thể yêu cầu khách hàng đặt cọc để sản xuất); (ii) chỉ đưa hàng lên biên giới khi khách hàng chấp nhận thanh toán chi phí lưu xe, lưu bãi và các chi phí phát sinh khác (nếu có).

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần: (i) hướng dẫn, tuyên truyền mạnh mẽ hơn về các biện pháp bảo đảm sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 trong tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, bao gói, phân loại cho tới bốc dỡ, vận chuyển để xuất khẩu; (ii) yêu cầu người sản xuất thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vùng trồng và các yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; (iii) hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp đáp ứng yêu cầu của thị trường; (iv) chỉ đạo các doanh nghiệp kho lạnh cho thương lái và người nông dân tạm trữ các hàng nông sản tươi trong lúc chờ tiêu thụ.

- Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản để đa dạng hoá thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào số ít thị trường lớn, truyền thông. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh đàm phán các Nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

        - Tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục: (i) cập nhật, tận dụng thông tin từ các thị trường, đặc biệt đối với các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; (ii) tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại; (iii) chủ động nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt với các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP; (iv) vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

2. Đối với kiến nghị về hỗ trợ, ưu đãi nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến

Phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, thủy sản là thế mạnh của tỉnh An Giang nói riêng, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, tập trung ưu tiên cho các hạ tầng kết nối vùng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội. Bộ Công Thương đang chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có những chính sách mạnh mẽ hơn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến nói riêng. Đây cũng là hành lang pháp lý để các địa phương làm cơ sở để xây dựng các chương trình dự án về phát triển công nghiệp.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022. Trong đó, xác định công nghiệp Vùng  phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối; Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông; Đối với chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; Khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gồ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói... phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nêu trên, Tỉnh cần xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của An Giang để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, đồng thời xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri.