Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Cử tri

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Trả lời:

“Kiến nghị quan tâm nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết việc làm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội”.

Nội dung trả lời: 

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có ý nghĩa quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến của Vùng chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thật sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022. Trong đó, công nghiệp xác định phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối; khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông; đối với chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gồ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói... phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương.

Nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, tập trung ưu tiên cho các hạ tầng kết nối vùng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có những chính sách mạnh mẽ hơn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến nói riêng. Đây cũng là hành lang pháp lý để các địa phương làm cơ sở để xây dựng các chương trình dự án về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trên đây là trả lời của Bộ Công Thương đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp. Trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri.