Bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh: TKV hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững
Nhằm bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh thực hiện theo hướng tổng thể, đồng bộ, khoa học, có trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật từng giai đoạn, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật gắn liền với quá trình sản xuất than, lấy phòng ngừa là chính, giải quyết các vấn đề môi trường trước mắt có tính đến mục tiêu lâu dài, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030.
Bảo vệ môi trường – mục tiêu cơ bản
Theo Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030, quan điểm bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản trong Chiến lược phát triển bền vững của TKV. Tăng cường bảo vệ môi trường theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân và người lao động làm mục tiêu hàng đầu.
Hệ thống phun nước và xe tưới nước dập bụi các tuyến đường vận chuyển than của Công ty Chế biến Than Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh
TKV xác định rõ, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân trong Tập đoàn nên cần được quan tâm thực hiện một cách tự giác, chủ động. Bảo vệ môi trường của từng đơn vị phải gắn kết với bảo vệ môi trường trong từng khu vực và toàn Tập đoàn, bảo vệ môi trường phải đi đôi, gắn liền với quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Cụ thể đến năm 2025, TKV phấn đấu cơ bản kết thúc đổ thải, thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh nhanh các bãi thải ngoài, nhất là các khu vực nhìn được tử quốc lộ, tỉnh lệ và các khu vực đã kết thúc khác. Nước thải, chất thải nguy hại và các chất thải khác phát sinh trong sản xuất được thu gom, xử lý triệt để đảm bảo quy chuẩn môi trường; nước mưa chảy tràn mặt bằng sản xuất được thu gom, lắng lọc vào hệ thống đảm bảo quy định.
Bên cạnh đó, TKV sẽ đầu tư đủ năng lực thiết bị chống bụi hiệu quả (xe tưới đường chuyên dùng, máy phun sương cao áp…), cơ bản khắc phục tình trạng phát tán bụi từ quá trình sản xuất ảnh hưởng đến dân cư, môi trường. Xây dựng đầy đủ đê đập chắn đất đá, hệ thống thoát nước các bãi thải theo quy hoạch. Sông suối thoát nước có hồ lắng đầu nguồn, thường xuyên được củng cố, nạo vét, giảm thiểu đất đá bồi lấp hạ lưu.
Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống giám sát môi trường, thời tiết vùng than và toàn TKV được xây dựng, kết nối thống nhất phục vụ bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai được chuẩn hóa, chuyển đổi số. Môi trường cảnh quan các cảng than, mặt bằng sản xuất gần các khu dân cư, đô thị được cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm, đảm bảo Tiêu chí môi trướng “Sáng – Xanh –Sạch,” hài hòa với sự phát triển chung trong khu vực và cơ bản hoàn thành phương châm “Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”.
Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, môi trường cảnh quan tất cả các mỏ, nhà máy sàng tuyển, hệ thống vận chuyển, kho cảng than, cơ sở sản xuất được cải tạo đảm bảo Tiêu chí môi trường “Sáng – Xanh – Sạch”, hài hòa với sự phát triển chung trong khu vực. Các loại chất thải phát sinh trong sản xuất được tái chế, tái sử dụng tối đa cho sản xuất và nhu cầu xã hội, các vùng đất sau khai thác mỏ được chuyển đổi sang phát triển kinh tế rừng và các mục đích khác thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, các mỏ bãi thải kết thúc trong giai đoạn 2021 – 2030 cơ bản được cải tạo phục hồi môi trường, chuyển đổi sang mục đích kinh doanh khác. Các chất thải từ sản xuất được xử lý triệt để theo hướng tái chế và tái sử dụng tối đa, trong đó tái sử dụng nước thải mỏ tối thiểu đạt 45%.
Đến năm 2030, TKV thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất từng bước đưa công nghiệp than trở thành ngành kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động trọng tâm bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh
Để bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh, TKV sẽ tập trung 5 nội dung chính. Theo đó, TKV sẽ (i) Cải tạo phục hồi môi trường, bãi thải, khai trường, ưu tiên cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải khu vực bãi thải đã kết thúc gần khu dân cư, đô thị nhìn được từ quốc lộ. Cải tạo phục hồi môi trường các khai trường, đối với các khai trường kết thúc nhưng không đổ thải trong, thực hiện cải tạo phục hồi môi trường các tầng trên mức thoát, moong khai thác được cải tạo thành hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
(ii) Xử lý nước thải và nước bề mặt, đối với xử lý nước thải mỏ than với những mỏ than hiện có, tiếp tục đầu tư nâng công suất và xây dựng trạm xử lý nước thải đáp ứng triệt để yêu cầu xử lý nước thải các khu vực sản xuất và khai thác của TKV. Đối với nước thải tuyển than các nhà máy và trạm tuyển than hiện có, duy trì hoạt động hệ thống xử lý bùn thải đã có tại các nhà máy xử lý tuyển tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý bùn nước thải tại chỗ cho các trạm tuyển phân tán hoặc đưa về xử lý chung tại tram xử lý nước thải tập trung để đến năm 2025 cơ bản nước thải tuyển than được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, xử lý nước thải sinh hoạt với các khu vực mặt bằng sản xuất, khu làm việc hiện có, xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt hợp khối tại các khu vực tập trung nhiều công nhân, xây dựng bể tự hoại có vách ngăn hướng dòng và ngăn lọc kỵ khí tại các khu vực phân tán ít công nhân. Đồng thời, xử lý nước chảy tràn bề mặt bằng cách xây dựng hệ thống thu gom, lắng lọc nước chảy tràn bề mặt các khu vực mặt bằng sản xuất, kho than, bến cảng, nhà xưởng; cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng đập chắn hồ lắng, hạn chế đất đá cuốn trôi theo nước mưa chảy tràn từ khai trường mỏ.
(iii) Xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường, TKV sẽ tập trung nghiên cứu đầu tư giai đoạn II nhà máy xử lý chất thải nguy hại để xử lý tái chế các chất thải khó phân hủy trong sinh hoạt. Đối với việc xử lý chất thải rắn thông thường như chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đơn vị chủ yếu được thu gom và thuê công ty vệ sinh môi trường tại địa phương xử lý, những cơ sở sản xuất phân tán ra trung tâm tự thu gom xử lý theo đúng quy định. Chất thải rắn thông thường phát sinh trong sản xuất khác được thu gom, đổ thải theo đúng quy hoạch và tuân thủ quy chuẩn bảo vệ môi trường.
(iv) Giảm thiểu bụi ồn, khí thải, để giảm thiểu bụi, ồn do vận chuyển than ngoài mỏ, TKV tiếp tục đầu tư băng tải thay thế các tuyến vận tải than bằng ô tô còn lại. Việc đầu tư các tuyến băng tải vận chuyển than thay thế ô tô được thực hiện theo kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của TKV. Bên cạnh đó, giảm thiểu bụi, ồn do vận chuyển than, đất trong mỏ, bãi thải tiếp tục đầu tư hệ thống các máy phun sương dập bụi cao áp, xe tưới đường dập bụi chuyên dụng, trồng vành đai cây xanh dọc các tuyến đường vận chuyển tại các vị trí ổn định lâu dài hạn chế tán bụi, ồn, cả thiện cảnh quan môi trường. Tăng cường và nâng cao hiệu quả tưới nước chống bụi khu vực đầu đường đổ thải. Đối với khai trường mỏ, bên cạnh nghiên cứu đổi mới công nghệ làm đường và chống bụi trên các tuyến đường mỏ, đẩy mạnh việc sử dụng phương pháp khoan ướt, nổ mình vi sai từng lỗ, hạn chế tiếp xúc tầng cao để tránh sạt lở lớn gây bụi.
Cùng với đó, giảm thiểu bụi, ồn được tiếp tục nghiên cứu đầu tư các trạm rửa xe ô tô, toa xe trên các tuyến đường từ mỏ và các cơ sở chế biến than, cảng than. Từng bước kiên cố hóa nền, bãi, xây dựng tường chắn kết hợp với trồng cây xanh, hệ thống phun sương dập bụi và các công trình chống bụi, ồn khác.
Bên cạnh việc sử dụng băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ngoài mỏ, TKV từng bước đổi mới đồng bộ thiết bị mỏ theo hướng tiên tiến, công suất lớn để tăng năng suất, giảm phát thải; thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng thuốc nổ tiên tiến ít nhất thải khí nhà kính trong khí mỏ. Các giải pháp giảm phát thải nhà kính được thực hiện đồng thời với quá trình đổi mới công nghệ theo kế hoạch đầu tư của TKV và các đơn vị.
(v) Quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong giai đoạn đến năm 2025, TKV phấn đấu triển khai các đề án nghiên cứu hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường, kiểm kê các loại chất thải và đánh giá mức độ phát thải, áp dụng ISO14000 vào các hệ thống quản lý môi trường trọng điểm của TKV và các đơn vị.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu, TKV đưa ra 4 giải pháp cụ thể: (i) Đảm bảo nguồn vốn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, (ii) Phát triển tổ chức, nhân lực làm công tác bảo vệ môi trương, (iii) Hoàn thiện cơ chế chính sách bảo vệ môi trường, (iv) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế môi trường.
Đồng thời, Tập đoàn giao cho các đơn vị khai thác, chế biến, tiêu thụ than trên địa bàn Quảng Ninh, căn cứ Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng tới 2030 và điều kiện thực tế của đơn vị hàng năm xây dựng và thông qua TKV kế hoạch bảo vệ môi trường của đơn vị, chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường và các đơn vị tư vấn triển khai đầu tư, thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong Đề án theo quy định.
Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh than Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng tới 2030 phê duyệt 7 danh mục công trình: (1) Cải tạo phục hồi môi trường sau khai tác mỏ, (2) Thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong sản xuất, (3) Chống bụi, (4) Ngăn ngừa đất đá trôi lấp, đảm bảo thoát nước, (5) Cải thiện môi trường cảnh quan mặt bằng sẳn xuất, (6) Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất góp phần cải thiện môi trường, (7) Quản lý, giám sát tự động môi trường, thời tiết. |