Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và năng lực triển khai các quy định mới về bảo vệ môi trường cho các đơn vị thuộc ngành Công Thương, ngày 03/12, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản tại khu vực Quảng Ninh”.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Môi trường - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Sở Công Thương, và trên 60 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Công Thương khu vực tỉnh Quảng Ninh đặc biệt trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Toán, Chánh Văn phòng Cục ATMT cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã chủ trì và phối hợp, tham mưu với các cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong toàn Ngành, cùng với đó là tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo chuyên đề tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực khác nhau tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp to lớn đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp như dầu khí, phân bón, hoá chất, thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản… cũng là những ngành phát sinh nhiều loại chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có sự cố môi trường cao nếu không được kiểm soát một cách hợp lý.
Trong thời gian qua, Cục ATMT đã ban hành nhiều chính sách, quy định mới về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm kê khí nhà kính, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, ứng phó sự cố môi trường,… Đến thời điểm hiện tại, tuy đã được triển khai thực hiện gần 02 năm, nhưng một số quy định vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng thực tiễn.
Do đó Hội nghị cũng là cơ hội giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các tỉnh khu vực khai thác và chế biến khoáng sản kịp thời cập nhật các quy định pháp luật mới về bảo vệ môi trường, khai báo và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, đồng thời trao đổi, chia sẻ về các kinh nghiệm, giải đáp các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quy định pháp luật chuyên ngành.
“Đây cũng là cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, nhất là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Từ đó, Cục ATMT sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn” – Ông Nguyễn Văn Toán nhấn mạnh.
Các báo cáo viên phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực Công Thương và những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực Công Thương và những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bà Lê Thị Minh Ánh, báo cáo viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và cập nhật những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Sáng – Cục ATMT đã trình bày những nội dung quan trọng của Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý, khai báo và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương.
Theo ông Phạm Ngọc Sáng, qua quá trình quản lý cho thấy, cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường Công Thương đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cụ thể:
Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu môi trường không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là cơ hội để khẳng định cam kết của mình đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ từ cơ quan nhà nước trong việc nâng cao khả năng tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro pháp lý.
Đặc biệt, việc khai báo và quản lý dữ liệu môi trường một cách minh bạch và có hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện quản lý nội bộ, tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao uy tín và sự tin cậy từ đối tác, khách hàng. Doanh nghiệp có thể nhận được các hỗ trợ về kỹ thuật, chính sách để cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, với cơ sở dữ liệu môi trường đồng bộ, đầy đủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Các thông tin được cập nhật kịp thời và chính xác sẽ giúp việc ra quyết định chính sách sát với thực tiễn hơn. Từ đó chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những vấn đề môi trường tác động xấu đến cộng đồng, xã hội.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và trong thực thi Luật BVMT liên quan đến ngành nghề của đơn vị. Qua đó, đại diện Cục ATMT, và các đơn vị liên quan đã tiếp thu, giải đáp thắc mắc và chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu trong việc thực hiện công tác BVMT liên quan các ngành nghề, lĩnh vực Công Thương.