Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường vùng Tây Nguyên
Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng về môi trường nhằm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.
Tây Nguyên ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường
Theo đó, Quy hoạch vùng Tây Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 05 tỉnh gồm, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của quy hoạch là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Bên cạnh việc định hướng phát triển các ngành có lợi thế của Vùng thì việc bảo vệ môi trường cũng là những vấn đề cấp thiết được đưa ra tại Quy hoạch.
Với mục tiêu cụ thể về môi trường, Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; Tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư đô thị đạt 100%, nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 98%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%; Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý đạt 100%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định đạt 95%.
Chú trọng phát triển Ngành công nghiệp thân thiện môi trường
Tây Nguyên ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Trong đó tập trung phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin và nhôm ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng; hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất, có điều kiện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tham gia vào chuỗi sản xuất của thị trường thế giới. Đồng thời, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng.
Tây Nguyên cũng chú trọng phát triển công nghiệp dệt may, da giầy tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai; phát triển công nghiệp hóa chất, dược phẩm, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất vật liệu composit; phát triển ngành sản xuất lụa tơ tằm, duy trì các cơ sở may, đan, thêu sử dụng nguồn nguyên liệu tại các làng nghề địa phương gắn với du lịch và sản xuất các sản phẩm thủ công xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng Tây Nguyên ưu tiên phát triển sản xuất phân bón, phân vi sinh tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp hóa chất, giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại, xây dựng lộ trình thay thế sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường trong khai thác khoáng sản.
Đồng thời, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện áp mái) phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; ưu tiên phát triển tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Phát triển mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải
Đối với phương án phát triển mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải, Quy hoạch nêu rõ Tây Nguyên cần xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các đô thị mới bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn thiết kế; Xây dựng các công trình xử lý nước thải phân tán cho các điểm dân cư nông thôn theo hướng làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp hữu cơ bằng công nghệ sinh học, đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi thối và không để chảy tràn ra môi trường, gây hại cho môi trường.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vùng, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Phát triển khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại
Đối với chất thải rắn thông thường, việc thu gom và xử lý chất thải rắn thực hiện theo phạm vi từng tỉnh.
Đối với chất thải nguy hại, cần nghiên cứu xây dựng các khu xử lý chất thải phục vụ cho phạm vi tỉnh (các tỉnh có các khu liên hợp xử lý chất thải phục vụ trong phạm vi tỉnh, trong các khu liên hợp xử lý chất thải có 1 khu xử lý chất thải nguy hại), đảm bảo phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chất thải được xử lý bằng biện pháp tái chế, sản xuất phân vi sinh; chôn lấp hợp vệ sinh và các công nghệ hiện đại. Khuyến khích phát triển sản xuất năng lượng từ chất thải rắn, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp để tránh gây ô nhiễm.
Giải pháp về môi trường vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030
Để thực hiện được các mục tiêu trong quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên tiếp tục hoàn thiện, ban hành mới các quy phạm pháp luật và biện pháp thực thi các chương trình nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường. Xem xét việc quản lý tập trung (cấp vùng) đối với chất thải y tế và chất thải nguy hại với công nghệ xử lý tốt nhất phù hợp (BAT), khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn với quy mô nhỏ ở những khu vực nông thôn chưa có hệ thống quản lý chất thải tập trung.
Đồng thời, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong điều tra cơ bản, quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.