Hà Nội: Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.
Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, thông qua hàng loạt giải pháp thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững. Từ các khu công nghiệp đến chợ truyền thống, từ doanh nghiệp lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn ngày càng được nâng cao. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo nền tảng vững chắc để Thủ đô phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững trong dài hạn
Nhân rộng các điển hình về sản xuất sạch hơn
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năm 2024, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương và nông thôn, tập trung vào cải thiện hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng và kiểm soát ô nhiễm.
Riêng trong ngành Giấy bao bì, các đánh giá đã đưa ra trên 200 giải pháp, giúp giảm trung bình 4,21% định mức nguyên liệu, 6,98% năng lượng quy đổi, 18,3% bụi công nghiệp và hơn 10% lượng nước thải sinh hoạt.
Điểm nổi bật là việc tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn khả thi và tiết kiệm chi phí, nhất là các biện pháp quản lý nội vi như bảo dưỡng phòng ngừa, kiểm kê kho, phân loại chất thải, đào tạo công nhân. Hệ thống quản lý nội vi 5S với các tiêu chí Sạch sẽ, Gọn gàng, An toàn đã chứng minh tính hiệu quả cao trong ngành công nghiệp nông thôn, giúp loại bỏ lãng phí, nâng cao năng suất và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp.
Thành phố cũng triển khai xây dựng, phổ biến và nhân rộng nhiều mô hình điển hình sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ doanh nghiệp ngành gốm sứ xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững và phát triển mạng lưới liên kết theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
“Song song với sản xuất, các hoạt động tiêu dùng bền vững cũng được chú trọng thông qua việc duy trì liên minh bán lẻ giảm tiêu dùng túi nilon dùng một lần; tổ chức "Ngày không túi ni-lông tại Việt Nam" và tuyên truyền tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Những hoạt động này không chỉ giúp thay đổi hành vi người tiêu dùng mà còn góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đô thị”, ông Nguyễn Đình Thắng cho hay.
Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững. Ảnh minh hoạ
Phát triển hệ thống phân phối bền vững
Để hỗ trợ hệ sinh thái tiêu dùng xanh, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng bộ tiêu chí tham gia “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững” cho các nhóm sản phẩm OCOP, làng nghề, chế biến nông sản, gốm sứ, thân thiện môi trường. Ba chuỗi kết nối được phổ biến gồm: Chuỗi ngành Gốm sứ, Chuỗi ngành chế biến nông sản, và Chuỗi sản phẩm làng nghề OCOP.
Theo ông Thắng, các đơn vị tham gia mạng lưới được hỗ trợ thuê mặt bằng, thiết kế gian hàng tại sự kiện quảng bá, cũng như truyền thông đa kênh trên báo chí, website chuyên ngành. Những sự kiện này đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đối tác trong ngành, thúc đẩy liên kết giữa các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, góp phần định hình mạng lưới tiêu dùng bền vững và giảm chất thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm.
"Không chỉ dừng lại ở sản xuất, thành phố còn phát triển hệ thống phân phối bền vững và đẩy mạnh tiêu dùng xanh thông qua các chương trình liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường; hướng dẫn người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm dán nhãn sinh thái; và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm minh bạch qua mã QRcode", ông Thắng nói thêm.
Với những bước đi đồng bộ, quyết liệt, thành phố Hà Nội đang khẳng định quyết tâm chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải và thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm. Đây không chỉ là chiến lược vì môi trường, mà còn là cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế xanh toàn cầu.