A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đàm phán Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan)

Việc nghiên cứu khả năng đàm phán Khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Nga/Liên minh Hải quan được bắt đầu thực hiện từ tháng 10 năm 2010. Từ đó đến nay, Nhóm nghiên cứu chung gồm đại diện của 4 nước (Việt Nam, Nga, Belarus, Kazakhstan) đã tiến hành được 4 phiên họp và đã cơ bản hoàn thành nội dung của nghiên cứu.

1. Quyết định khởi động đàm phán: Chưa tuyên bố khởi động.

2. Cơ quan chủ trì đàm phán: Bộ Công Thương - Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế

Địa chỉ thư tín: Văn phòng Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế Văn phòng Đoàn ĐPCP), số 2 Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Địa chỉ thư điện tử: fta@moit.gov.vn (địa chỉ dự kiến)

3. Đối tác đàm phán: Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan)

Vài nét về Liên minh Hải quan và Ủy ban Kinh tế Á – Âu:

Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan là một khu vực với tổng diện tích hơn 20 triệu km2, dân số khoảng 170 triệu người; với tiềm năng phát triển kinh tế năng động, GDP của cả ba nước gộp lại đạt khoảng 2 nghìn tỷ USD và tổng giá trị thương mại đạt khoảng 900 tỷ USD; trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, với tổng trữ lượng dầu mỏ của ba nước gộp lại vào khoảng 90 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 17% xuất khẩu toàn thế giới.

Ủy ban kinh tế Á-Âu chính thức thay thế Ủy ban Liên minh Hải quan từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Ủy ban sẽ dần được chuyển giao các quyền hạn mang tính quốc gia (quyền hạn của Chính phủ, của Nhà nước), trong số đó có chức năng điều phối hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Liên minh này.

Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban gồm 2 cấp: Hội đồng và Ban Thường trực. Thành viên Hội đồng bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ của Nga, Belarus và Kazakhstan có nhiệm vụ điều hành quá trình hội nhập của Liên minh Hải quan. Ngày 24 tháng 1 năm 2012, ông Sergei Rumas, Phó Thủ tướng Belarus, được bầu chọn làm Chủ tịch Hội đồng. Đại diện phía Nga tham gia Hội đồng của Ủy ban này có Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov.

Ban Thường trực của Ủy ban là cơ quan thường trực chính, bắt đầu hoạt động từ ngày 1 tháng 2 năm 2012. Ban này chuyên trách các vấn đề về hội nhập trong khuôn khổ của của Liên minh hải quan và Không gian Kinh tế thống nhất. Ngày 19 tháng 1 năm 2011, ông Viktor Khristenko (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Nga) được bầu làm Chủ tịch Ban Thường trực. Ban này sẽ có 9 thành viên (cấp Bộ trưởng) với 25 tổ chức cấp Vụ. Tổng số biên chế của cơ quan này sẽ có khoảng gần 1000 người.

4. Khởi động nghiên cứu khả thi:

Việc nghiên cứu khả năng đàm phán Khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Nga/Liên minh Hải quan (LMHQ) đã được lãnh đạo cấp cao của hai nước Việt Nam và Liên bang Nga chính thức thông qua tại các cuộc viếng thăm chính thức của Lãnh đạo hai nước. Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao đầu mối chủ trì và thúc đẩy việc nghiên cứu khả năng ký Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên bang Nga/LMHQ.

Việc nghiên cứu khả năng đàm phán Khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Nga/Liên minh Hải quan được bắt đầu thực hiện từ tháng 10 năm 2010. Từ đó đến nay, Nhóm nghiên cứu chung gồm đại diện của 4 nước (Việt Nam, Nga, Belarus, Kazakhstan) đã tiến hành được 4 phiên họp và đã cơ bản hoàn thành nội dung của nghiên cứu.

Dự kiến Báo cáo cuối cùng của Nhóm nghiên cứu chung về đánh giá tác động Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do sẽ được Ủy ban Kinh tế Á Âu của Liên minh Hải quan hoàn thành vào giữa tháng 8 năm 2012.

5. Tóm tắt kết quả nghiên cứu khả thi:

Nghiên cứu bao gồm 4 phần chính: (i) Tổng quan quan hệ kinh tế thương mại (bao gồm tổng quan kinh tế , thương mại và đầu tư của từng nước và các hiệp định song phương và khu vực); (ii) Đánh giá tác động kinh tế (sử dụng mô hình toán kinh tế về cân bằng tổng thể GTAP (Global Trade Analysis Project) để đánh giá tác động kinh tế đối với 4 nước khi FTA hình thành); (iii) Phương pháp tiếp cận đối với các vấn đề về thương mại và đầu tư trong FTA; (iv) Kết luận.

Nghiên cứu này đang được Liên minh Hải quan hoàn tất để trình lên Chính phủ các nước vào khoảng giữa tháng 8 năm 2012.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc ký kết Hiệp định FTA này có thể mang lại những cơ hội và thách thức chính như sau:

a) Cơ hội:

Do tỷ trọng thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước thuộc LMHQ trong tổng thương mại của Việt Nam và LMHQ không lớn và nhiều mặt hàng hiện không có giá trị thương mại, nên việc nghiên cứu định lượng chủ yếu phản ánh xu hướng tác động của FTA đối với từng nước tham gia. Cụ thể, khi FTA được hình thành, GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,151%, của Nga tăng 0,051%, Belarus tăng 0,048% và Kazakhstan tăng 0,009%.

Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam sang LMHQ là: gạo, các mặt hàng thực phẩm, hàng may mặc, đồ da, đồ gỗ; của Nga sang Việt Nam – hoa quả, dầu mỏ và khí ga, thịt (bò, ngựa, cừu, dê), các sản phẩm sữa, ô tô và phụ tùng; Belarus – hàng may mặc, ô tô và phụ tùng, thiết bị vận tải; và Kazakhstan – hàng may mặc, đồ da, các sản phẩm dầu mỏ, than đá.

Về giá trị thương mại hai chiều: xuất khẩu sang Việt Nam của Nga tăng 75%, của Belarus tăng 83%, của Kazakhstan tăng 83%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%.

Việc hợp tác giữa các bên thông qua FTA sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu các bên tận dụng các lợi thế không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà cả trong các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của LMHQ vào Việt Nam cũng như của Việt Nam sang LMHQ sẽ gia tăng nhờ các cam kết có mức độ tự do hóa cao hơn, môi trường đầu tư thuận lợi hơn và chất lượng đầu tư hoàn thiện hơn. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng sẽ nhận được những tác động tích cực như: quy mô sản xuất một số mặt hàng tăng lên; mức lương và việc làm cho người lao động cũng được cải thiện.

Danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên LMHQ và của các thành viên LMHQ sang Việt Nam không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Việc cắt giảm/xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam như hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ,... Cũng nhờ tính bổ trợ hàng hóa này mà việc nhập khẩu các mặt hàng mà phía LMHQ có thế mạnh sẽ giúp cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, trong khi không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh ngành của Việt Nam.

b) Thách thức:

Nghiên cứu cho thấy khả năng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của LMHQ hiện chưa cao. Điều này có thể được giải thích bằng các lý do như: giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước LMHQ, thói quen tiêu dùng của thị trường LMHQ, những yêu cầu về kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo,... Do đó, FTA cũng có thể khiến Việt Nam gặp phải một số thách thức nhất định. Đó là: (i) các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này để đáp ứng nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm; (ii) gia tăng cạnh tranh của nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tác động bất lợi đến năng lực cạnh tranh trong nước trong ngắn hạn và trung hạn; (iii) các cơ quan nhà nước có thể sẽ cần một số điều chỉnh về tổ chức để thực thi FTA, đồng thời cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các biện pháp tự vệ phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng các ưu đãi của FTA;

Tuy nhiên, do kim ngạch thương mại của Việt Nam vào các nước thuộc khối LMHQ hiện không lớn nếu so sánh với các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, nên những tác động nói trên không phải là các yếu tố có ảnh hướng mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, là cơ sở để Việt Nam mở rộng khai thác nhóm các thị trường rộng lớn và có tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm các nước Đông Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ. Việc sớm đàm phán ký kết FTA này cũng mang ý nghĩa thời điểm quan trọng, trong bối cảnh các nước thuộc Liên Xô cũ đang có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

6. Các hiệp định, thoả thuận mở cửa thị trường tiêu biểu mà các đối tác đàm phán đã ký kết với bên thứ ba (tham khảo dưới đây):

Hiệp định khu vực mậu dịch tự do các nước SNG được ký vào năm 2011. Hiệp định này nhằm mục tiêu giảm đến số lượng thấp nhất các mặt hàng có thuế suất nhập khẩu, thuế xuất khẩu được giữ dưới một mức trần và cũng sẽ giảm dần theo từng giai đoạn.

Tham khảo Hiệp định tại CIS’ FTA Agreement.doc

7. Các Hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tương đương của Việt Nam:

+ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN http://www.aseansec.org/12039.htm

+ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc http://www.aseansec.org/19105.htm

+ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc http://www.aseansec.org/22557.htm

+ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ http://www.aseansec.org/22563.htm

+ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản http://www.aseansec.org/22572.htm

+ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Ôtxtrâylia-Niu Di-lân http://www.aseansec.org/22258.htm

+ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản http://www.mofa.go.jp/policy/economy/fta/vietnam.html

8. Các tài liệu liên quan:

+ Thông tin về Liên minh Hải quan và Ủy ban Kinh tế Á – Âu: /upload/2005517/20210623/58152481951c8c2f17c0385f3bb141c8default.aspx

9. Hoạt động dành riêng cho doanh nghiệp bên lề đàm phán: Hiện chưa có


Tin liên quan

Chưa có bài viết nào

Tin nổi bật

Liên kết website