A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí

Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu Cơ khí (NARIME).

Khẳng định vai trò đầu ngành, phát huy nội lực ngành cơ khí Việt Nam

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí Phan Đăng Phong báo cáo tóm tắt về các kết quả hoạt động của Viện trong 5 năm qua, phương hướng phát triển trong 5 năm tới; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ đã phát biểu, thảo luận làm rõ hơn các kết quả đạt được, cũng như các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Viện Nghiên cứu Cơ khí (Viện NCCK) thời gian qua; gợi mở các định hướng, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của Viện thời gian tới, đồng thời giải đáp, hướng dẫn những kiến nghị, đề xuất của Viện đối với Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng báo cáo của Viện NCCK và các ý kiến của các đại biểu đều cơ bản thống nhất nhận định: Những năm qua, Viện NCCK đã đoàn kết, năng động, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích kết quả nổi bật; từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí - tự động hóa của đất nước; đồng thời, Viện đã làm khá tốt vai trò tư vấn chính sách, tích cực tham mưu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành cơ khí, chế tạo máy. Bên cạnh việc chú trọng thực hiện tốt công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ nền, Viện NCCK đã chủ động, tích cực ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống, làm chủ được công tác thiết kế, chế tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, then chốt (như: thiết bị cơ khí thủy công, các hệ thống thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, ô tô - xe máy, năng lượng mới, công nghệ cao, tự động hóa quá trình sản xuất…).

Công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí - tự động hoá tại Viện được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành và đất nước…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Viện NCCK thời gian qua; đồng thời nêu rõ những nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) để lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện cần nghiên cứu, tiếp thu và sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

“Viện cần có chiến lược, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ trong nước và nước ngoài, song phải có cơ chế quản lý sử dụng một cách hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.  

Năm nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển dài hạn cho Viện Nghiên cứu Cơ khí

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng có không ít khó khăn, thách thức.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ngành cơ khí, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi đây là ngành không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình Công nghiệp hóa  - Hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và công nghiệp mới nổi, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của Cuộc cách mạng 4.0; nhất là trong bối cảnh thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển KHXH nói chung, ngành Cơ khí, chế tạo nói riêng, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Để Viện Nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành, của đất nước, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện NCCK chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định, chính sách của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương nói chung và lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng; đặc biệt là: (1) Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá  - Hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (3) Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và hàng loạt các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Hai là, tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện; trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi để phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển Ngành và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cần tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong các lĩnh vực mà Viện có thế mạnh; chủ động, mạnh dạn tham gia vào các ngành, lĩnh vực CN công nghệ cao, công nghiệp mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp khác (như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, ô tô tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghiệp đường sắt, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học…), góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành cơ khí - tự động hoá Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại. 

Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; mọi hoạt động nghiên cứu KHCN phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học và công nghệ thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong Ngành và cả nước được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn, giúp các DN trong Ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực KHCN, tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời từng bước hình thành các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của Viện.

Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước, trong và ngoài Ngành nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển nền công nghiệp 4.0; đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành cơ khí - tự động hoá và các chuyên ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt khác, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của Ngành và của đất nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao cờ thi đua của Bộ Công Thương cho Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam năm 2024.

Đồng thời, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Cơ khí nặng, Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023 - 2024.

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website