A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực

Thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2022, diễn ra chiều 9/9, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết: Kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 1.422 triệu USD, tăng 10% so với tháng 8/2021 (cùng kỳ giảm 34,6%). Lũy kế 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% (cùng kỳ giảm 5,2%).

Các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ khi nền kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 0,9% so với tháng 7/2022, tăng 15,7% so với tháng 8/2021. Trong khi đó, khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 148 nghìn lượt khách, tương đương với tháng 7 và tăng 45,3% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 956 nghìn lượt khách, tăng 83,6%. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 8 ước đạt 132 nghìn lượt khách, tăng 22,2% so với tháng 7/2022 và tăng 18,5 lần so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 477 nghìn lượt khách, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Về đầu tư nước ngoài, tháng 8, có 24 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 10,75 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2022, Thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD.

Ước trong tháng 8, thành phố Hà Nội có 2.527 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 25.257 tỷ đồng (tăng 133% về số lượng doanh nghiệp và tăng 49% vốn đăng ký). Lũy kế 8 tháng năm 2022, Thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 20.023 doanh nghiệp với số vốn 226.037 tỷ đồng (tăng 22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ), 2.458 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 14%), số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 7.783 doanh nghiệp (tăng 7%). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 342.181 doanh nghiệp.

Tháng 9 và các tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách; đẩy nhanh tiến độ 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD; xác định vị trí, ranh giới, diện tích 2 trung tâm logistics; tiến độ thực hiện dự án Bãi đỗ xe trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ cho vay tín dụng các đối tượng ưu tiên. Thực hiện đầy đủ các chính sách mới ban hành của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí... Đồng thời, tập trung xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ. Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (khu 1, 2, 3); Quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai (khu 1, 2, 3); một số quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát; đảm bảo cân đối cung - cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, điều hành bình ổn giá phù hợp, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%. Tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng, liên kết vùng, triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… trên địa bàn Thành phố. 

Tổ chức đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, thành phố. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Đồng thời, hoàn thiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 trình HĐND Thành phố. Ban hành và thực hiện Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai. Đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Điện rác Seraphin, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá...


Nguồn:Hà Nội Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website