A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025

Chiều 7/1, Bộ Công Thương họp báo thường kỳ quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân – Người phát ngôn của Bộ Công Thương chủ trì họp báo.

 

Ngành Công Thương hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra

Thông tin tại cuộc họp về kết quả sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tỏng năm vừa qua, bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch phát triển năm 2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Song vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển, đến nay, ngành Công Thương đã hoành thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính

Cụ thể là tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng. Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu… Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023); Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%; Công tác phòng vệ thương mại (PVTM) đạt kết quả tích cực; Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Cùng với đó, chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Buổi họp báo có sự tham dự của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đồng thời, năm 2025 là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định kịch bản tăng trưởng cao của GDP năm 2025, ngành Công Thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025.  Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 ở mức cao như nêu trên. Ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về phát triển KTXH năm 2025 và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi, phù hợp nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Tiếp tục xác định và tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách - một trong ba đột phá chiến lược. Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước…

Chia sẻ tại buổi họp báo, các nhà báo, phóng viên đã gửi lời chúc mừng những thành quả của ngành Công Thương đạt được trong năm 2024. Đồng thời bày tỏ lời cám ơn tới Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động phối hợp trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Các ý kiến cũng cho rằng thông tin về ngành Công Thương luôn được các độc giả, công chúng quan tâm, và hy vọng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp tốt với báo chí trong công tác thông tin, truyền thông. Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên sẽ được tham gia nhiều hơn các sự kiện của Bộ Công Thương để thông tin thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành được cập nhật nhanh chóng, đa chiều qua lăng kính của báo chí.

Trước tình cảm của các nhà báo với ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vui mừng chia sẻ, năm 2024 là năm suôn sẻ, hanh thông với ngành Công Thương khi các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch. Kết quả này có sự đóng góp của các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí. Thứ trưởng cũng mong thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cơ quan báo chí để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2025 và những năm tiếp theo.

Nhiều vấn đề được làm rõ tại họp báo

Cũng tại họp báo, nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên liên quan đến các vấn đề “nóng” của Ngành như điện, xăng dầu, quản lý thị trường … đã được giải đáp.

Nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương đã được các nhà báo, phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, ông Trần Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: Ngày 02/01/2025, để triển khai hoạt động về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân. Tại Hội nghị trên, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị những báo cáo, tài liệu, bài phát biểu về vấn đề nhân lực trong phát triển điện hạt nhân, có đánh giá nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - ông Trần Minh thông tin về nguồn nhân lực phát triển điện hạt nhân

Về nội dung Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan trong lĩnh vực điện hạt nhân, nếu Việt Nam dự kiến có 2 tổ máy công suất 2x1000 MW thì cần 600 - 1.200 người có trình độ trung cấp, đại học thuộc các chuyên ngành khác nhau. "Như vậy, hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi triển khai thì nhu cầu cần khoảng 2.400 người. Ngoài ra, còn các nguồn nhân lực hỗ trợ khác, ví dụ như có chuyên gia liên quan đến các chuyên ngành luật và nghiên cứu phát triển, chuyên gia phục vụ công tác nghiên cứu quản lý... Số lượng nhân lực này chưa tính đến nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước tại các viện nghiên cứu, đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục. Nếu tính bình quân mỗi 12 nhân lực trong ngành điện hạt nhân cần 1 nghiên cứu viên và 20 sinh viên cần 1 giảng viên thì nhu cầu nhân lực cho nhóm này thêm khoảng 250 người" - ông Trần Minh thông tin thêm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan, trong đó có Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để triển khai, tham mưu cấp có thẩm quyền, thúc đẩy đề án về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực cho ngành điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Trước đây, để chuẩn bị triển khai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển điện hạt nhân đã được chú trọng. Việt Nam cũng đã gửi cán bộ đi đào tạo và thực hiện đúng theo Đề án 1558 do Bộ giáo dục và Đào tạo chủ trì. Tuy nhiên, sau nhiều năm mới khởi động lại, Việt Nam phải có một chương trình tổng thể hơn, không phải chỉ tập trung vào 2 nhà máy này, mà còn thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân, dự kiến có thể là có nhiều nhà máy hơn. Nguồn nhân lực phải chia làm 3 nhóm: Nhóm phụ trách liên quan đến quản lý nhà nước; nhóm liên quan nghiên cứu khoa học; nhóm liên quan đến vận hành trực tiếp nhà máy. Việt Nam cũng cần tính đến nguồn từ các chuyên gia, kể cả trong nước, nước ngoài, để không chỉ phục vụ nhà máy điện hạt nhân mà còn phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Đề cập đến các nội dung phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thông tin, sau khi được Quốc hội thông qua Dự án phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 10514/BCT-ĐL ngày 24/12/2024 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân để giúp Thủ tướng chỉ đạo và phối hợp giải quyết những vướng mắc, những công việc quan trọng liên ngành liên quan.

Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Văn bản thứ hai là Tờ trình 9987/BCT-ĐL ngày 8/12/2024 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số công việc cần phải sớm triển khai, thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm: Thứ nhất, bổ sung nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và Quy hoạch phát triển điện lực; Thứ hai, xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư các dự án đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 theo đề xuất của EVN và cho phép EVN triển khai ngay việc chỉ định tư vấn, rà soát điều chỉnh nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo quy định; Thứ ba, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán để ký kết điều chỉnh Hiệp định thoả thuận với các đối tác đã được triển khai trước đây. Giao Viện Năng lượng điều chỉnh, rà soát nghiên cứu để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong đó xem xét, bổ sung Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào quy hoạch.

Đối với câu hỏi về Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng cho biết, sau khi được thông qua, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.

Hiện Bộ Công Thương đã giao cho các đơn vị trong Bộ xây dựng hàng loạt cơ chế, chính sách thực thi. Riêng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo được giao xây dựng 02 Nghị định, trong đó có 01 Nghị định về quy hoạch đầu tư, lựa chọn các chủ đầu tư cho các dự án, công trình điện; 01 Nghị định về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Thông tin về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành một loạt các chính sách, trong đó có Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 80/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các khách hàng mua điện và chủ đầu tư có dự án công trình điện năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện gió. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển điện năng lượng tái tạo. Hy vọng các cơ chế này sau khi được ban hành sẽ phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của chủ đầu tư các công trình dự án năng lượng tái tạo, cũng như khách hàng sử dụng điện, Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm thông tin về các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Đối với Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/02/2025, đây là một áp lực đối với ngành Công Thương. Tuy nhiên, Bộ Công Thương xác định, Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành sớm thì các nội dung mới của Luật sẽ được áp dụng và tạo khuôn khổ hành lang pháp lý, có cơ chế động viên, khuyến khích phát triển các nguồn điện.

Thông tin về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có tầm nhìn 2030 và xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và Chính phủ đã ban hành 2 kế hoạch thực hiện, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp thực tế. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ đề cương dự án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; đồng thời trình Chính phủ chủ trương chọn đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng các đơn vị trong Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung thông tin quy hoạch, thống nhất với Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Đối với nội dung câu hỏi liên quan đến đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống còn 2 tháng, ông Nguyễn Quang Minh, đại diện Cục Điều tiết điện lực, cho hay, Cục Điều tiết điện lực đang được giao chủ trì nhiệm vụ xây dựng nghị định về cơ chế điều chính giá bán lẻ điện bình quân và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Đây là nghị định mới, sẽ được ban hành và có hiệu lực đồng thời với thời gian có hiệu lực của Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng đang được lấy ý kiến của rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động và cần thiết phải có thời gian đánh giá tác động khi điều chỉnh chu kỳ về giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Cục Điều tiết điện lực sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ tham mưu Chính phủ cơ chế phù hợp nhất tại thời điểm hiện tại cũng như thời gian sắp tới.

Về cơ chế chế giá điện hai thành phần, vào tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực thực hiện nghiên cứu xây dựng đề xuất cơ chế giá điện hai thành phần, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần. "Đây là một trong các chính sách mới ở Việt Nam, tác động đến tất cả các đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, Cục đang tiếp tục yêu cầu EVN nghiên cứu số liệu và đánh giá tác động trước khi có đề xuất cụ thể với Bộ Công Thương cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép áp dụng theo lộ trình", ông Nguyễn Quang Minh cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, đề xuất thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là câu chuyện mang tính thị trường, vì vậy sẽ còn nhiều nội dung cần nghiên cứu thêm. Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phải có nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ 2 tháng một lần, 3 tháng một lần để so sánh, tìm ra hướng hợp lý nhất có thể.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của cơ quan báo chí, đó là lượng tiêu dùng xăng E5 đang giảm đi. Theo đó, trả lời tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thuý Hiền cho biết: Thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Bộ Công Thương đã ban hànhChỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22 tháng 09 năm 2017 về việc tăng cường triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống triển khai thực hiện.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền thông tin về vấn đề tiêu thụ và phân phối xăng E5

Trong Chỉ thị này, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Sở công thương các tỉnh, thành phố, các thương nhân kinh doanh và thương nhân sản xuất xăng dầu để tổ chức triển khai thực hiện. Bộ Công Thương đãvà đang triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, có nhiều văn bản đôn đốc, văn bản chỉ đạo thương nhân đầu  mối và thương nhân phân phối xăng dầu triển khai thực hiện, đẩy mạnh cung ứng xăng sinh học E5 RON 92 đáp ứng nhu cầu thị trường theo lộ trình. Với các giải pháp Bộ Công Thương thực hiện như đã nêu, từ năm 2018 xăng sinh học E5 đã được bán rất rộng rãi trên thị trường cả nước, nhưng xu hướng tiêu dùng loại xăng này ngày càng giảm đi, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, ba nguyên nhân chính được bà Nguyễn Thuý Hiền nêu, đó là: Thứ nhất, giá xăng E5 chênh lệch xăng khoáng không nhiều, nên chưa khuyến khích và hấp dẫn được người tiêu dùng sử dụng loại xăng này. Thứ hai, vấn đề truyền thông chưa đạt để người tiêu dùng tin cậy tiêu dùng xăng E5. Thứ ba, với tình hình kinh tế phát triển như hiện nay, người tiêu dùng có thêm nhiều phương tiện hiện đại sử dụng các loại xăng có chất lượng cao hơn…

Trước tình hình tiêu thụ xăng E5 có chiều hướng giảm, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các văn bản, chỉ thị nhằm thúc đẩy tiêu thụ xăng E5. Song song với đó, Bộ đã giao Vụ Khoa học và Công nghệ đơn vị chủ trì thực hiện triển khai Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện về tình hình triển khai Quyết định, làm rõ, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp phù hợp với bối cảnh, tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cũng liên quan đến xăng E5, phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, để phát triển xăng sinh học E5, thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện rất nhiều nội dung công việc. "Ngay cả trong vấn đề điều hành giá xăng dầu, điều hành vấn đề cung - cầu, Bộ Công Thương cũng luôn yêu cầu tạo một dư địa để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.

Đối với câu hỏi của phóng viên liên quan đến xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2024, nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, nước ta xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá. Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái.

Hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến nguồn cung dồi dào, gây áp lực giảm giá gạo. Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã khôi phục được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…

Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn. Bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 02 kịch bản. Kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu. Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tạo sức ép với nước ta. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới.

Ở giai đoạn này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 01 - Nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp giúp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.

Một nội dung khác được báo chí quan tâm đặt câu hỏi là về công tác quản lý thị trường khi lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương sẽ được đưa về địa phương quản lý. Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong nhiều năm hoạt động theo mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng này đã đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, cả nước đã phát hiện và xử lý nghiêm hàng nghìn vụ vi phạm lớn trên thị trường, từ gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, đường cát, thực phẩm chức năng, cho đến các vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra gần 68.300 vụ, xử lý 47.135 vụ vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm, tăng 2% so với năm trước. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước đã đạt hơn 541 tỷ đồng, tăng 8%; trị giá hàng hóa vi phạm là 425 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023.

Bà Nguyễn Minh Phương khẳng định, mặc dù mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Khi lực lượng quản lý thị trường được chuyển về địa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh, dù mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng Bộ Công Thương vẫn sẽ giữ vai trò lãnh đạo chủ đạo, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong suốt 6 năm hoạt động mô hình Tổng cục Quản lý thị trường và hơn 67 năm truyền thống của lực lượng quản lý thị trường.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website