A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Báo Công Thương phải đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện

Với mong muốn cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương vừa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải cập nhật được những xu hướng tiến bộ của báo chí đa phương tiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Công Thương ngày 20/8/2021.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có báo chí. Do vậy, buổi làm việc được đánh giá là sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo Bộ Công Thương đối với toàn thể các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh giãn cách xã hội, tác nghiệp gặp nhiều khó khăn, cách thức đưa tin cũng phải đổi mới nhằm thích ứng với tình hình, đẩy mạnh tốc độ đưa tin cũng như không ngừng nâng cao chất lượng.

Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Hướng tới những tác phẩm báo chí có tính phản biện cao

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thu Hiền - Tổng Biên tập Báo Công Thương - đã báo cáo khái quát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của báo cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 3766/QĐ-BCT ngày 2/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo đó, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Công Thương đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt hơn 1 năm trở lại đây, bối cảnh khó khăn chung của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, báo vẫn duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên, ổn định việc làm, thu nhập cũng như giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng, Nhà nước; chủ trương, chính sách của Bộ Công Thương…, Báo cũng đã nỗ lực không ngừng trong việc mở rộng các quan hệ hợp tác với các đơn vị trong Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ban, ngành khác, địa phương, doanh nghiệp. Qua đó tổ chức được nhiều sự kiện, hội thảo, talkshow bước đầu có tiếng nói và trở thành kênh truyền thông chính thống uy tín và chất lượng. Cùng với đó, Báo cũng chú trọng việc đầu tư, đổi mới công nghệ, tiếp cận cách thức, mô hình mới theo hướng hội tụ, đổi mới trang thiết bị, hiện đại hoá cách làm báo với mục tiêu trở thành Cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện, tích hợp trên nền tảng số.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại buổi làm việc Tổng biên tập Báo Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phần nguyên nhân khách quan phần là trong nội tại tờ báo, cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là sự kết nối theo chiều sâu với giới chuyên gia, các nhà quản lý uy tín, các cộng tác viên có tên tuổi để thực hiện tuyến đề tài chất lượng, có tính phản biệt cao, góp ý cho chính sách, qua đó trở thành một trong những kênh tham mưu, giúp cho Bộ, có những quyết sách thiết thực với doanh nghiệp, hợp lòng dân và được dư luận đánh giá cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trong Bộ cũng nhìn nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Báo cần tiếp tục đa dạng hơn nữa nội dung và hình thức thông tin để thu hút độc giả. Ngoài việc tăng cường tính lan tỏa nhất là các thông tin chính thống của Bộ Công Thương, Báo cần tăng cường tính chủ động, tính kết nối, với các nội dung chất lượng, các bài viết chuyên môn của giới chuyên gia, tuyến các đề tài thể hiện được chủ trương, định hướng phát triển ngành, thiết thực với người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo các đơn vị của Bộ cũng khẳng định sự sẵn sàng phối hợp với Báo trong việc phối hợp truyền thông, cung cấp thông tin, để các hoạt động, chủ trương, chính sách của Bộ Công Thương được đến với bạn đọc, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ghi nhận những kết quả đạt được của Báo Công Thương trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Báo đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền. Hoạt động chuyên môn có nhiều cố gắng, đáp ứng được yêu cầu công việc được giao”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý: Thời gian tới, Báo cần nâng cao hơn nữa về chuyên môn. Bám sát nhiệm vụ cũng như các vấn đề người dân quan tâm để định hướng dư luận, tạo sự lan tỏa những thông tin chính thống của ngành Công Thương; Dù là một tờ báo ngành nhưng không vì thế mà chúng ta bị giới hạn về tác nghiệp, đăng tin một chiều, Báo cần có những nhìn nhận, đánh giá khách quan nhiều chiều để tiếp thu những mặt chưa làm tốt, phát huy mặt tích cực, để người dân, xã hội tiếp nhận thông tin đúng, đủ, qua đó các quyết sách của ngành Công Thương mới sớm đi vào cuộc sống.

6 nhóm giải pháp phát triển Báo Công Thương

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các trưởng các phòng, ban chuyên môn của Báo Công Thương; của lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Công Thương. Bộ trưởng nhấn mạnh những kết quả đạt được cần phát huy và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, những hạn chế, tồn tại cũng cần phải khắc phục ngay để bắt kịp với xu hướng mới của báo chí hiện đại. Từ đó, Bộ trưởng giao cho Báo Công Thương 6 nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới:

Một là, cần làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, nghiên cứu quán triệt các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành Công Thương cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Chú trọng hơn nữa giáo dục phẩm chất chất chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng và thực hiện tốt chế độ học tập thường xuyên và định kỳ cả về lý luận, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Rèn luyện bản lĩnh, tính chiến đấu, tính xây dựng cho đội ngũ phóng viên.

Hai là, khẩn trương xây dựng Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Báo Công Thương. Theo đó, Báo Công Thương phải từng bước trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, kể cả các loại hình báo in, báo hình, báo điện tử trên nền tảng số, fanpage. Trước mắt làm tốt việc nâng cấp báo in về chất lượng, cơ cấu tin bài, nội dung vừa mang tính phản ánh, vừa mang tính đấu tranh, xây dựng. Đẩy mạnh hơn nữa báo điện tử thông qua việc thay đổi giao diện, sắp xếp lại cơ cấu chuyên mục cho hợp lý theo hướng hiện đại, có nhiều tính tương tác cao, phù hợp với xu hướng phát triển của truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Ba là, cần bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để triển khai xây dựng chiến lược kế hoạch truyền thông trên các kênh của báo, nhằm bảo đảm tính định hướng rõ ràng, chính xác, ổn định và hệ thống. Báo Công Thương cần làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt thông tin chính thống, xác thực, tạo được hiệu ứng tốt trong truyền thông và xã hội. Đồng thời cần tiên phong, kiên quyết đấu tranh trong phản bác các quan điểm sai trái, thông tin bịa đặt, xuyên tạc ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế xã hội của đất nước và sự nghiệp của ngành Công Thương.

Bốn là, xây dựng, củng cố phát triển mối quan hệ của Báo Công Thương với các ngành, địa phương trong cả nước, các cơ quan tổ chức của Việt Nam và ngành Công Thương ở nước ngoài, các Đại sứ quán, Thương vụ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Tạo mối quan hệ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước để các hiệu ứng tích cực được lan tỏa, chia sẻ thông tin. Đặc biệt chú trọng kết nối với các chuyên gia kinh tế, các chuyên gia từng lĩnh vực ngành nghề, các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội để tăng cường trao đổi thông tin, đặt bài viết chuyên sâu…

Năm là, khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Báo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, sắp xếp đúng người đúng việc. Có kế hoạch đầu tư cần thiết, nâng cấp hợp lý các trang thiết bị, phương tiện làm việc, tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên theo hướng từng bước, có tính kế thừa. Để có đội ngũ người làm báo có nghề, nhiệt huyết, có lương tâm và trách nhiệm với xã hội, rất cần môi trường làm việc tốt. Lãnh đạo Báo Công Thương cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định làm việc bảo đảm phát huy được dân chủ, trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi thành viên. Xây dựng cơ chế để đối xử công bằng về chế độ, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người.

Sáu là, chú trọng kết nối với các cơ quan báo chí để đưa tin chính thống của ngành, của Bộ và dung nạp thông tin của các ngành, các báo để đăng tải trên Báo Công Thương.

Liên quan đến các kiến nghị của Báo, Bộ trưởng ghi nhận và giao các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng biên tập báo Công Thương Trương Thu Hiền đã cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ thời gian qua, đồng thời khẳng định nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo, xây dựng tập thể đoàn kết, đưa tờ báo xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam.


Nguồn:Báo Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website