A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 14

Cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam (CLMV) được hình thành từ tháng 8/2010 theo sáng kiến của Việt Nam. Mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước CLMV, phối hợp chặt chẽ hơn trong các hoạt động thuộc diễn đàn tiểu vùng, khu vực và quốc tế, phát huy tối đa tiềm năng của các nước, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa bốn nước với các nước còn lại trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được tại các Hội nghị Thượng đỉnh CLMV. 

Ngày 16/9/2022, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 14 (CLMV EMM 14) đã diễn ra tại thành phố Xiêm-Riệp, Campuchia. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là hội nghị trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM 54) và các hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 11-18/9/2022. Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và đại diện Ban Thư ký ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu. Tham gia đoàn Việt Nam có đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế và đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Các nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị bao gồm: (i) Trao đổi về tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2021-2022; (ii) Trao đổi, thông qua dự thảo Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024; (iii) Thông qua văn kiện “Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ phát triển CLMV”.

Hội nghị nhận định trong bối cảnh khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hoạt động trao đổi thương mại và thu hút đầu tư của khu vực CLMV vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trao đổi thương mại của 4 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam với thế giới năm 2021 đạt gần 750 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, chiếm 22,4% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN với thế giới.

Trưởng đoàn các nước CLMV trao đổi, thảo luận tại Hội nghị

Về tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV giai đoạn 2021-2022, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và sự thích ứng, chuyển đổi nhanh chóng của các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động, dự án hợp tác CLMV. Việt Nam cảm ơn sự phối hợp, tham gia tích cực của các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma đối với các hoạt động do Việt Nam chủ trì trong năm 2021 và những tháng vừa qua của năm 2022 như Hội chợ thương mại quốc tế Viet Nam Expo, Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Viet Nam Foodexpo, các hội chợ do Việt Nam tổ chức tại Lào, Campuchia và các chương trình học bổng do Việt Nam cấp.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của Trưởng SEOM Việt Nam về việc xây dựng Kế hoạch hành động CLMV 2023-2024 và Bản hướng dẫn tiêu chí đối với dự án thuộc Kế hoạch hành động CLMV. Sáu lĩnh vực chính được xác định trong Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024 gồm: Hợp tác thương mại và đầu tư; Kinh tế số; Thực hiện các cam kết khu vực; Kế hoạch phục hồi sau dịch; Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV; Phát triển nguồn nhân lực. Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam hoan nghênh việc đưa vào thêm lĩnh vực hợp tác “Kinh tế số” trong Kế hoạch hành động. Đây là một xu hướng phát triển mới của khu vực và thế giới, được nhiều nước quan tâm. Kinh tế số sẽ giúp doanh nghiệp các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và thị trường.

Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024 và giao các Trưởng SEOM CLMV tích cực điều phối, tổng hợp đề xuất dự án hợp tác của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nước mình, gửi Ban Thư ký ASEAN để đưa vào Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024. Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam cũng thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ gian hàng cho các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma tại một số hội chợ, triển lãm quốc tế lớn do Việt Nam tổ chức; tiếp tục chương trình học bổng dành cho học viên từ các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma. Việt Nam cũng đề nghị các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam tăng cường hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản (nếu có), nhằm nâng cao hơn nữa trao đổi thương mại giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam. Các nước cũng cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực thi hiệu quả các FTA mà 4 nước là thành viên, góp phần hiện thực hóa lợi ích mà các hiệp định mang lại cho nền kinh tế của 4 nước, củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị

Một nội dung thảo luận trọng tâm của Hội nghị là việc thông qua Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV. Tại Hội nghị, Trưởng đoàn các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam đã cảm ơn Ban Thư ký ASEAN, Viện Mê Công đã hỗ trợ các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện văn kiện Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà Lãnh đạo Cấp cao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam giao cho các Trưởng đoàn tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10 (năm 2020). Sau hơn 02 năm làm việc tích cực, đến nay, các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam đã thống nhất nội dung của văn kiện, đặc biệt là Bảng Kế hoạch hành động, với hơn 150 hoạt động hợp tác thực hiện trong 8 năm (từ năm 2023 đến 2030) nhằm phát triển các lĩnh vực quan trọng và thúc đẩy hợp tác giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam trong các trụ cột như giao thông, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, hải quan, hợp tác về thông tin, phát triển hệ thống tài chính, nguồn nhân lực, nông nghiệp và du lịch… Sau khi thảo luận, các Trưởng đoàn nhất trí thông qua văn kiện và đề nghị Ban Thư ký ASEAN tiếp tục hỗ trợ các nước xây dựng các đề xuất dự án/hoạt động chi tiết, tìm, kết nối đối tác tài trợ các hoạt động trong Kế hoạch cho các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam. Hội nghị cũng nhất trí giao các Trưởng SEOM CLMV, phối hợp với Trưởng SOM CLMV và các cơ quan, Bộ ngành liên quan của mỗi nước sớm triển khai các hoạt động, dự án hợp tác trong Kế hoạch hành động, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đưa nhóm nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam trở thành trung tâm kinh doanh tiến bộ của khu vực và trên thế giới.

Việc các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam kết thúc quá trình xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV trong năm 2022 và thống nhất được dự thảo văn kiện Kế hoạch là một dấu ấn và là kết quả đáng ghi nhận trong năm Việt Nam chủ trì cơ chế hợp tác kinh tế CLMV, điều phối chung các hoạt động hợp tác kinh tế CLMV.

Trước khi kết thúc Hội nghị, đại diện Ban Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam và các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma đã cùng nhau xây dựng thành công và nhất trí cao thông qua 02 văn kiện quan trọng của Hội nghị gồm Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024 và Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ Phát triển CLMV. Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác với nhau để triển khai các hoạt động, dự án hợp tác trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực không bị đứt quãng.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Ban Thư ký ASEAN đã tích cực ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, giúp Việt Nam hoàn thành tốt vai trò chủ trì cơ chế hợp tác kinh tế CLMV trong năm 2022. Trưởng đoàn Việt Nam cũng chúc mừng Campuchia trên cương vị chủ trì cơ chế hợp tác kinh tế CLMV năm 2023 và bày tỏ tin tưởng Campuchia sẽ đảm nhận tốt vai trò này./.


Nguồn:Vụ Thị trường châu Á – châu Phi Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website