A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Chiều ngày 19/10/2022, Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội đã phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, nêu rõ: Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực với mong muốn đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thương mại điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Trong Ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp dịch Covid - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia. 

Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Có thể kể đến những rủi ro như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; hoặc bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại, …

Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, đang thiếu vắng những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được điều chỉnh.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, khai mạc vào ngày 20/10/2022 và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ Năm vào tháng 5/2023.

Trong bối cảnh như vậy, Tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” nhằm ghi nhận những đề xuất, góp ý về mặt chính sách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, hiệu quả hơn. “Đây chắc chắn sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi)”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền tin tưởng.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, cho biết: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam. Về mặt chính sách, vấn đề này đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu liên quan đến thương mại điện tử, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ....

Trên thực tế, ông Tuấn nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Cục đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức ký cam kết với các sàn thương mại điện tử lớn; để trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại thì các sàn thương mại điện tử phải tiếp nhận và giải quyết; đồng thời các sàn này cần xây dựng và công bố công khai quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã công bố Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800-6838 từ năm 2015. Hiện nay Tổng đài đã kết nối đầu số đến 35 địa phương và đang triển khai thêm ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Thông qua Tổng đài này, hàng năm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, đề nghị hỗ trợ, cũng như khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các tranh chấp trong tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Cục đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại, quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn sản phẩm, lực lượng quản lý thị trường, thương mại điện tử, an ninh mạng, ... để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ….

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với người tiêu dùng. Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

Điểm đáng lưu ý là Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó tập trung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể như “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số” và “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”. Dự thảo đã đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số; cấm ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cùng với sự mở rộng của thị trường thương mại điện tử (dự kiến đến năm 2025, thị trường này đạt 57 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực, vượt xa quy mô thị trường năm 2021 là 13,7 tỷ USD), những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng và càng nhiều lên.

Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn. Hơn 70% dân số dùng internet, có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến; 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.

Trong bối cảnh hiện nay cần xác định, dữ liệu nói chung và dữ liệu về người tiêu dùng nói riêng đang là nguồn tài nguyên cực lớn của quốc gia. Hiện nay, những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, nhu Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Hình sự, … nhưng chỉ đang tiếp cận ở quyền riêng tư của công dân. Hiện, chưa có quy định mang tính toàn diện, chưa nhìn từ góc độ quyền của người tiêu dùng, góc độ tài sản trong kinh doanh thương mại. Vì vậy, nên có những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân nhìn từ góc độ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.

Tại tọa đàm, bà Anh đã chia sẻ ngắn gọn về kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin của người tiêu dùng trên không gian mạng, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện dự thảo Luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trên không gian mạng.

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật, ông Tạ Đình Thi Phó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và kể cả trên thế giới. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo Luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.

“Hiện, chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Do vậy, việc Dự thảo có hẳn một chương riêng quy định bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, bao gồm không gian mạng, là rất cần thiết. Đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và cần có quy định chi tiết”, ông Thi lưu ý.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng cũng đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế số và chuyển đổi số. Ban Bí thư cũng đã ban hành 2 Chỉ thị có liên quan trực tiếp đến vấn đề này, đó là Chỉ thị 30-CT/TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới. Đây là hai văn bản rất căn cơ.

Do đó, chúng ta phải tập trung thể chế hóa và cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật; giải quyết những bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay.

 Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật có hẳn một Chương 3 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Nếu nhìn về tổng thể các chính sách, quy định đang được đề xuất trong dự thảo là tương đối phù hợp, đã xác định được những vấn đề thực tiễn mà chúng ta thấy cần có quy định. Cá nhân ông An cho rằng, về góc độ an ninh, trật tự nếu không xử lý được các khiếu nại, đặc biệt là các hành vi gian lận trên không gian mạng thì rất khó để bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng. Xu hướng hiện nay là ngày càng gia tăng thị phần của thương mại điện tử, và chúng ta đang đặt mục tiêu đạt 20% từ kinh tế số trong GDP, trong đó phần lớn là thương mại điện tử. Nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót và gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Phải có các biện pháp cả về kỹ thuật và cả về hành chính để thể hiện rõ hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để xử lý các vấn đề mới phát sinh khi phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo cho biết: Doanh nghiệp ý thức được là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính; kể từ năm 2016, công tác bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng của MoMo đã được áp dụng theo chuẩn cao nhất đối với các dịch vụ tài chính. MoMo không chỉ bảo vệ người dùng trong một vài giao dịch mua bán cụ thể mà bảo vệ cả nguồn tiền, tài khoản, tức là nguồn tiền dự trữ, dữ liệu cá nhân của họ.

Theo đó, người tiêu dùng được bảo vệ bằng xác thực hai bước: bởi mật khẩu và bởi OTP cho mỗi giao dịch. Đối với OTP, áp dụng không phải bằng tin nhắn mà thông qua cuộc gọi, tính an toàn sẽ cao hơn.

Đối với mật khẩu, bên cạnh nhập thông qua thiết bị, MoMo cũng ứng dụng công nghệ mới như nhận dạng sinh trắc học, mống mắt, khuôn mặt, vân tay để bảo mật tốt hơn. Bên cạnh đó, MoMo sử dụng những công nghệ mới để phân tích hành vi, phát hiện những yếu tố đáng ngờ để đưa ra những cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Thời gian tới, MoMo sẽ tiếp tục hoàn thiện để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ người dùng, ông Phước chia sẻ.

Kết thúc Toạ đàm, Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã cảm ơn các đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến thiết thực và chi tiết vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đối với các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nếu được thông qua sẽ có tác động đến nhiều chủ thể, đối tượng trong đó có 4 chủ thể quan trọng và có thể thấy rõ nhất là Người tiêu dùng, Tổ chức-cá nhân kinh doanh, Cơ quan quản lý nhà nước và Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại buổi Tọa đàm đã có đủ 4 chủ thể này và các ý kiến đóng góp hôm nay thực sự rất thiết thực, đầy đủ và hữu ích. 

Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia Toạ đàm hôm nay để có những chỉnh sửa, hoàn thiện tốt nhất đối với các quy định tại dự thảo Luật, nhằm bảo đảm các quy định có tính thống nhất, phù hợp, hiệu quả và tính khả thi trong quá trình thực thi khi Luật này được thông qua và có hiệu lực.


Nguồn:Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website