Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Chi Lê
Trong hai ngày 23 và 24/9/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê và Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến XTTM và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê 2021.
Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về XTTM năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường của nhau.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê những năm qua ngày càng khởi sắc trên nền tảng quan hệ hợp tác hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, và sự tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà 2 nước tham gia ký kết như FTA Việt Nam – Chi Lê, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong 8 tháng đầu năm nay, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid 19, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả khả quan với 1,27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê tăng 44% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá cao về những con số trên, ông Phạm Trường Giang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chi Lê cho biết, kể từ khi FTA giữa Việt Nam và Chi Lê có hiệu lực vào năm 2014, quan hệ thương mại giữa hai nước tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất đã có mặt tại thị trường Chi Lê. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận những nguyên liệu tốt có giá cả phù hợp của Chi Lê. Nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao của Chi Lê như rượu vang, hoa quả tươi, cá hồi cũng đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Đáng chú ý, gần đây, quả bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Chi Lê và quả cherry của Chi Lê cũng đã được vào thị trường Việt Nam.
Nhận định về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê trong tương lai, ông Phạm Trường Giang cho rằng, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác, phát triển.
“Việt Nam – Chi Lê có điều kiện mở rộng trao đổi thương mại giữa hai nước vì đã có đủ cơ chế, khuôn khổ hợp tác để phát triển quan hệ song phương, trong đó quan trọng nhất là FTA Việt Nam – Chi Lê”, ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh.
Theo phân tích của các chuyên gia tại hội nghị, nhiều sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Chi Lê trong thời gian tới như: đồ bảo hộ y tế; xơ, sợi các loại; túi tự phân hủy sinh học, dây thừng cho nuôi trồng cá hồi; sản phẩm may mặc và giày dép…
Đáng chú ý, Chi Lê không chỉ là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam mà đây còn được xem là cầu nối để sản phẩm Việt tới được thị trường các nước Nam Mỹ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê khai thác thành công tiềm năng của thị trường của nhau, Cục XTTM và Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê cùng cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp hai nước trong những hoạt động XTTM, vì sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp và sự hợp tác thương mại phồn thịnh giữa hai quốc gia.
Phía Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê, ông Manuel Ubilla Espinoza, Chủ tịch đơn vị này cũng cam kết thúc đẩy hợp tác với Cục XTTM, Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê để biến những tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước thành hiện thực.
Tại hội nghị, ông Hernan Guerrero, thành viên Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam nhu cầu nhập khẩu của phía doanh nghiệp Chi Lê.
Cùng với đó, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam và ông Đỗ Thanh Bình, đại diện Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cũng cung cấp cho các doanh nghiệp Chi Lê cái nhìn tổng quan về lĩnh vực công nghiệp gỗ trợ và công nghệ thông tin của Việt Nam. Đồng thời, đại diện hai hiệp hội này cũng giới thiệu về tiềm năng, năng lực của các doanh nghiệp thành viên, qua đó mong muốn doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm được đối tác phù hợp để bắt tay hợp tác kinh doanh lâu dài.
Trong khuôn khổ hội nghị giao thương, 50 doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi bên, nhằm hướng tới thiết lập các mối quan hệ kinh doanh trong tương lai.