Hướng tới hỗ trợ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để khai thác thị trường
Tham gia buổi làm việc còn có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hóa chất, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ...
Kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra
Báo cáo về tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm và kế hoạch trong 5 tháng cuối năm 2019, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo như Bộ Công Thương đã dự báo khi xây dựng kế hoạch, kịch bản xuất nhập khẩu năm 2019, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản. Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Đến nay có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu là 6-8% tăng trưởng so với năm trước.
Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 vẫn đạt được một số thành tựu nổi bật như: Quy mô xuất khẩu tăng trưởng cao, đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao; Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ); Kết quả xuất siêu được tiếp tục duy trì. Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm là 1,79 tỷ USD.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tại cuộc họp
Đối với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 60,83 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 82,5 tỷ USD, tăng 5,3%. Nhập khẩu chủ yếu ở các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm cần nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, ước đạt 125,95 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2018, chiếm tỷ trọng 87,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ông Phan Văn Chinh nhận định, xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc v.v...
Trong khi đó, mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp...
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD. Với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Mở rộng xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, một số mặt hàng có kết quả hết sức cố gắng, nhất là mặt hàng gạo, trong bối cảnh xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm mạnh, chúng ta vẫn bảo đảm tiêu thụ hết lúa gạo vụ Đông Xuân cho bà con nông dân. Kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm không hề giảm so với cùng kỳ. Đây là kết quả tốt, duy trì khá ấn tượng.
Về nhập khẩu, vẫn phục vụ tốt công tác cung cầu của nền kinh tế. Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng trở nên minh bạch hơn, chúng ta đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kết nối các thủ tục từ phía mình với thủ tục một cửa quốc gia, thủ tục ASEAN từ đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Công tác xây dựng khung khổ pháp lý cho công tác xuất nhập khẩu cũng đã hoàn thành tốt. 6 tháng đầu năm Cục đã ban hành 7 thông tư, trung bình 1 thông tư/tháng. Từ giờ đến cuối năm còn 8 Thông tư nữa. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu rất nhiều văn bản pháp luật cho các Bộ, ngành xây dựng.
Về kiểm soát xuất xứ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận, công tác xuất xứ đã được Cục Xuất nhập khẩu thực hiện tốt, không chỉ ở 7 tháng đầu năm 2019 mà công tác này đã được Cục triển khai từ cuối năm 2017. Với những nỗ lực này, chúng ta có thể chặn đứng được một số vụ việc có thể trở thành nóng như, chặn việc xuất khẩu nhôm toàn cầu, cảnh báo được câu chuyện xuất khẩu gỗ dán vào thị trường EU, Hoa Kỳ... Cục Xuất nhập khẩu cũng đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn, đạt yêu cầu trong 6 tháng đầu năm. Điều này cũng nhờ sự đóng góp lớn từ sự phối hợp của các đơn vị khác thuộc Bộ.
Thứ trưởng nhất trí với những định hướng Cục đưa ra trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu tất cả phải rất nỗ lực khi tình hình đang trở nên phức tạp hơn. Cần tập trung vào những việc có thể làm được, chứ không thể xử lý được hết những vấn đề nảy sinh, phát sinh. Trong đó, tập trung vào vấn đề xuất khẩu nông sản.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 1,5 tỷ, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Mức giảm không đáng kể nhưng ảnh hưởng, báo hiệu cho chúng ta cần quan tâm, thay đổi. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ từ phía Trung Quốc yếu đi, thì hiện nay, Trung Quốc chuyển mạnh từ trao đổi cư dân sang trao đổi chính ngạch. Do đó, khi chuyển sang chính ngạch, đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với Bộ Công Thương mở rộng hơn nữa diện mặt hàng rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Nếu như các tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng đầu năm.
Thêm vào đó, cần có sự vào cuộc của các tỉnh cũng như các doanh nghiệp. Từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi 63 tỉnh thành để cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc, về nguồn gốc, vùng trồng, đăng ký nhà sản xuất, nhà xuất khẩu... nhưng nhiều doanh nghiệp chủ quan, thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác, nhất là thủy sản. Cho nên mới dẫn đến câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị. Thực tiễn cho thấy cả nước có hơn 680 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Trung Quốc cho phép 128 loại thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách bán hàng thông qua trao đổi cư dân để đến khi thay đổi thì không thể xuất khẩu được nữa.
Thực tiễn cũng cho thấy, tỉnh nào vào cuộc thì sản phẩm nông sản của tính đó bán rất tốt. “Bắc Giang, 3 vụ vải gần đây xuất khẩu rất thuận lợi, xoài Sơn La làm ra không đủ, đến bán quả nhãn cũng vậy, chúng ta đã tiêu thụ được hết, không thừa quả nào. “Nếu như tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng đầu năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bàn tiến chứ không bàn lùi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng văn bản pháp luật của Cục Xuất nhập khẩu đã rất kịp thời như Luật quản lý ngoại thương, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào cuộc sống... "Chính các vấn đề thể chế trong đó công tác về Văn Bản QPPL là biện pháp để tháo gỡ, giải phóng năng lực sản xuất và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân không chỉ trong hội nhập mà còn trong công cuộc thúc đẩy phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng biểu dương những nổ lực chung của Cục Xuất nhập khẩu trong các hoạt động tham gia vào điều hành chính sách, thực thi pháp luật để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Cục Xuất nhập khẩu đã rất xuyên suốt trong quá trình theo dõi về thị trường đặc biệt trong ứng phó tìm ra những giải pháp kịp thời đối với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế. Các vấn đề về cải cách hành chính, thủ tục thuận lợi hóa thương mại mặc dù mới có 7 tháng nhưng cũng đã làm được rất nhiều việc. Bộ trưởng yêu cầu Cục tiếp tục phát huy tinh thần đó để thực hiện các kế hoạch đã thông qua. Các hoạt động trong quan hệ thương mại với các nước láng giềng kể cả từ tạm nhập tái xuất, hoạt động thương mại qua biên giới nhất là hiệp định thương mại biên giới mà chúng ta đã ký kết cũng đã được Cục quan tâm triển khai và tổ chức thực hiện kể cả với Trung Quốc, Lào, Campuchia... Các nhiệm vụ để đảm bảo thị trường cũng như nhu cầu phát triển thị trường của ngành phát triển sản xuất nhất là của nông nghiệp trong đó có mặt hàng lúa gạo, đường trong nhập khẩu cũng đã được nỗ lực trong thời gian qua.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đồng tình với những chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại cuộc họp, nhất là cho những nhiệm vụ, những vấn đề lớn cho 6 tháng cuối năm. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, chúng ta bàn tiến chứ không bàn lùi, Bộ trưởng yêu cầu cho đến giờ phút này, các chỉ tiêu đặt ra phải quyết tâm thực hiện chứ không điều chỉnh. Xác định được điều đó để định vị được những yêu cầu thống nhất các biện pháp, giải pháp.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và công việc:
Thứ nhất, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 5 tháng còn lại ở các thị trường và các ngành hàng. Đánh giá những thực tế trong 6 tháng đầu năm từ đó có những dự báo diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm. Để làm được điều này, không chỉ riêng các Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên mà còn Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất và các đơn vị có liên quan khác cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cục xuất nhập khẩu.
Thứ hai, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ dính vào những tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn cũng như đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam. Từ đó có những biện pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp, phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục hải quan, Bộ Công an cũng như một số địa phương để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả cao.
Thứ ba, Bộ trưởng đồng tình với các nhiệm vụ của Cục Xuất nhập khẩu đã nêu. Chúng ta phải tổ chức một cách mạnh mẽ và quyết liệt đầy đủ hơn nữa các Hôi nghị để quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ cũng như những Đề án lớn của Chính phủ đã ban hành trong đó có cả Chiến lược xuất khẩu bền vững, Chương trình hành động của CPTPP, thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ cũng như các đề án mới đây về phòng vệ thương mại. Bộ trưởng cũng khuyển khích việc tổ chức những Hội nghị chuyên đề về XNK với các địa phương, các khu vực kinh tế.
Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế phối hợp cùng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Bộ rà soát lại các Chương trình hành động, Kế hoạch về truyền thông, thông tin kịp thời để các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đều phải nắm bắt kịp thời.
Thứ tư, các Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại rà soát, đánh giá lại tất cả các thị trường đặc biệt là những thị trường có sự sụt giảm do những nguyên nhân chủ quan như Trung Quốc đang siết chặt hoạt động thương mại tiểu ngạch, siết chặt việc cấp phép cho các doanh nghiệp xuất xứ vì chưa hoàn thành các thủ tục để đăng ký xuất khẩu và mở rộng thị trường... thậm chí "không phải mang lại những hiệu quả ngay nhưng nó phải là hướng đi cho doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là đều phải hướng tới hỗ trợ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để khai thác thị trường" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm và kế hoạch trong 5 tháng cuối năm 2019 tham khảo tại đây.