A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu sang Châu Phi tăng trưởng ấn tượng

Châu Phi là thị trường lớn, nhiều tiềm năng bao gồm 55 quốc gia với dân số hơn 1,2 tỷ người. Trong giai đoạn hiện nay, các nước Châu Phi đã trở thành những đối tác kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Chính phủ luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Phi, nhiều hiệp định, thỏa thuận đã được ký kết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại và trong nhiều lĩnh vực khác.

Thương mại của các nước Châu Phi duy trì mức tăng trưởng khá và ổn định, giai đoạn 2014 – 2018. Trong khi các nền kinh tế đầu tầu ở Châu Phi như Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Ma-rốc, Libya... vẫn duy trì được sự ổn định, một số nước khác như Algeria, Angola sau giai đoạn khó khăn đang phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng khá. Mặc dù khu vực Châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực này đạt được kết quả đáng khích lệ trong những năm vừa qua.

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước khu vực Châu Phi đạt khoảng 6,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong năm 2018, hàng hóa Việt Nam đã xuất sang 53/55 nước tại khu vực châu Phi (trừ Nam Sudan và Eriteria). Trong đó các thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD bao gồm: Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà, Togo, Nigeria.

Trong nhiều năm qua, Nam Phi luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi 724,3 triệu USD, giảm nhẹ 3,6% so với năm 2017. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nam Phi, ngoại trừ điện thoại di động và linh kiện (thuộc khu vực FDI) có sự sụt giảm về kim ngạch, đa số các mặt hàng khác đều có sự tăng trưởng tốt, cụ thể là: giày dép các loại (đạt 108,8 triệu USD, tăng 3,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 96,2 triệu USD, tăng 3,1%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác (đạt 37,6 triệu USD, tăng 10,1%); hàng dệt may (đạt 27,3 triệu USD, tăng 27,6%); cà phê (đạt 17,3 triệu USD, tăng 109%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 11,6 triệu USD, tăng 20,3%); hạt điều (đạt 8,3 triệu USD, tăng 3,4%).

Ai Cập tiếp tục là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực châu Phi với kim ngạch xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 36,6% so với năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ai Cập trong năm 2018 đều có sự tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt 62,2 triệu USD, tăng 5,6%; hàng thủy sản đạt 45 triệu USD, tăng 43,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 44,8 triệu USD, tăng 54,7%; cà phê đạt 21,8 triệu USD, tăng 26,9%. Riêng mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng có kim ngạch tăng cao đột biến so với năm 2017, đạt 17,7 triệu USD.

Ghana là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sang châu Phi trong năm 2018, đạt kim ngạch 278,3 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2017. Gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ghana với kim ngạch đạt 214 triệu USD, tăng 5% so với năm 2017.

Về cơ cấu mặt hàng, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu xây dựng, ... Hàng Việt Nam đã từng bước thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Châu Phi, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản và vật liệu xây dựng.

Về nhập khẩu, trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ các nước châu Phi khoảng 3,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2017, qua đó, giảm mức nhập siêu của năm 2018 xuống còn 0,6 tỷ USD. Từ năm 2016 trở về trước, Việt Nam luôn xuất siêu sang châu Phi. Tuy nhiên trong giai đoạn 2017-2018, Việt Nam nhập siêu từ châu Phi do kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu tăng đột biến so với các năm trước.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang khu vực các mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử; sữa và sản phẩm sữa; nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, rau quả…); thực phẩm chế biến; cao su; sản phẩm sắt thép; sản phẩm gỗ; gốm sứ; dây điện và cáp điện; hàng thủ công mỹ nghệ. Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Châu Phi các mặt hàng như: dầu thô, dầu Diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Thị trường Châu Phi được đánh giá là khá dễ tính đối với hàng hóa của Việt Nam. Hiện có 45/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO, do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường.

Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên, thiên tai, biến động chính trị nên đa số các nước Châu Phi không sản xuất đủ lương thực, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nay, các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, thủy sản, điện thoại di động, hàng điện tử, sản phẩm dệt may, giày dép các loại… của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Châu Phi và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Phi đã có những bước tiến dài trong thời gian qua, vẫn còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập sâu hơn nữa vào khu vực thị trường này. Thứ nhất là sự bất ổn về an ninh và chính trị, xung đột tôn giáo và sắc tộc, rủi ro khủng bố ở một số nước, khiến cho nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý dè dặt và e ngại. Thứ hai, sự cạnh tranh của các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… sẽ trở nên gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ ba là thiếu sự liên kết, phối hợp, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của ta. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự có định hướng, chiến lược về thị trường châu Phi. Thêm vào đó, vấn đề lừa đảo qua mạng Internet trong quá trình giao dịch, thực hiện hợp đồng của một số đối tượng từ Nigeria, Benin, Togo, … cũng là thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.

Triển vọng thị trường 2019

Tuy còn khó khăn như trên nhưng triển vọng của thị trường châu Phi trong năm tới cũng có nhiều điểm tích cực. Trước hết, kinh tế của các nước khu vực được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019, đạt trung bình 3,6% (Nam Phi 3%, Ai Cập 6%, Ghana 6,2%, Nigeria 2,5%, Algeria 4%) . Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, trong đó mức chi tiêu vào các nhóm hàng mà nước ta có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tiêu dùng của hầu hết người dân các nước khu vực này. Thứ hai, do có sự chênh lệch lớn trong mức thu nhập đầu người tại mỗi quốc gia nên yêu cầu về chất lượng hàng hoá nhập khẩu rất đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng hoá nhiều nước thâm nhập thị trường khu vực, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Thứ ba, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bước đầu giành được sự tín nhiệm tại thị trường các nước khu vực như hàng nông sản, thủy sản...

Điều này được minh chứng rõ nét qua kim ngạch xuất khẩu sang thị trường khu vực không ngừng gia tăng, kim ngạch từng mặt hàng năm sau thường cao hơn năm trước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực cũng đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp, công nghiệp chế tạo, nhiều mặt hàng có giá trị cao đã xuất hiện tại các thị trường khu vực như điện thoại đi động, máy vi tính, điện tử... và đây là những tiền đề quan trọng để hàng hóa xuất khẩu nước ta tăng trưởng ổn định trong các năm tiếp theo.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website