A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo MOIT tuần từ ngày 16/06 đến ngày 22/06/2014

Tuần qua, nhiều sự kiện, hoạt động của ngành Công Thương đã được thể hiện nổi bật trên các báo: Pháp luật Thành Phố Hồ Chí Minh, Người Lao động, Thanh Niên; Thời báo Kinh tế Việt Nam, v.v...

Cần tăng giá điện để bằng với quốc tế?

Trên trang nhất, số 158, báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh ra ngày 17/6, có bài viết: Cần tăng giá điện để bằng với quốc tế?.

Theo bài báo: “Việt Nam cần tiến dần đến dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá cacbon”. Đó là kiến nghị lộ trình cải cách hiệu quả chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch được UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) đưa ra trong báo cáo về tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18/6.

Bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, giá năng lượng ở Việt Nam đang thấp so với mức giá thế giới. Bởi lẽ lĩnh vực này đang được Việt Nam kiểm soát giá (trợ giá) và đánh thuế môi trường thấp. Theo phân tích từ báo cáo, trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam chủ yếu cho than đá và các nhiên liệu khác sử dụng cho phát điện. Số liệu từ cơ quan năng lượng quốc tế cho thấy mức trợ giá gián tiếp trong giai đoạn 2007-2012 ở Việt Nam dao động từ 1,2 tỉ USD đến 4,49 tỉ USD mỗi năm.

Báo cáo nhấn mạnh: “Trợ giá dẫn đến nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên và người dân sẽ phải gánh nợ. Trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo và người dân phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng”.

Báo cáo cũng nêu lên hàng loạt các lợi ích khi Việt Nam dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu như thu hút được các nhà đầu tư đầu tư vào ngành năng lượng gió, mặt trời nhiều hơn; nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng nguồn cung ứng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và tăng trưởng GDP, v.v…

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, “giá năng lượng ở Việt Nam thấp hơn so với quốc tế là do trợ giá và thuế môi trường thấp” là chưa xác đáng. Cách tính toán đơn giản như báo cáo thực hiện lấy giá quốc tế trừ đi giá ở Việt Nam ra con số chênh lệch và cho đấy là mức trợ giá là quên mất một vế của quy luật kinh tế thị trường. Ví dụ ở Việt Nam giá năng lượng dựa vào nguồn tài nguyên rất cơ bản như than, nước…, trong đó thủy điện đang là một phần rất lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam. Điều này có thể giúp cho giá điện ở Việt Nam có giá thành thấp hơn ở những nước khác.

Riêng về giá điện, bà Michaela Prokop nhận xét giá điện của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với thế giới và gần như thấp nhất trong khu vực. Mặc dù giá bán lẻ điện trung bình trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể nhưng nếu tính toán theo giá cố định của năm 2002, có điều chỉnh lạm phát thì giá điện năm năm trở lại đây gần như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2002-2007.

Chuyên gia Phạm Chi Lan lại cho rằng nhóm nghiên cứu không nên so sánh khư khư giá điện Việt Nam như giá quốc tế vì thu nhập Việt Nam thấp hơn các nước nhiều. Ví dụ Singapore thu nhập gấp 35 lần Việt Nam. Chỉ cần mỗi khi giá điện tăng thì giá đầu vào của các sản phẩm tại Việt Nam cũng tăng gấp mấy lần. “Nếu nói bao nhiêu năm qua giá điện của Việt Nam không tăng thì đông đảo người dân sẽ không đồng tình. Giá điện chịu tác động của lạm phát thì lạm phát cũng cướp đi rất nhiều thu nhập của người dân” - bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Michaela Prokop, một trong những quan ngại của công chúng và các nhà hoạch định chính sách về việc gỡ bỏ trợ giá nhiên liệu để thực hiện tự do hóa giá cả sẽ làm tăng giá năng lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Việc này sẽ làm những người nghèo, cận nghèo dễ bị tổn thương. Vì vậy khi thực hiện cải cách giá năng lượng cần hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ nghèo, mở rộng hỗ trợ cho họ và có mức giá năng lượng ấn định riêng cho họ.

“Tôi nghĩ rằng kiểm soát giá là cần thiết vì năng lượng ở Việt Nam do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền. Nếu không kiểm soát giá thì giá đó có thể hình thành có lợi cho doanh nghiệp và bất lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng là doanh nghiệp sản xuất phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường”. Ngoài việc nhấn mạnh ý này, bà Lan còn lưu ý việc cải cách giá năng lượng là cần thiết nhưng đây là vấn đề rất phức tạp ở Việt Nam. Vì giá năng lượng được hình thành trên thế độc quyền của nhà nước, doanh nghiệp và được duy trì rất lâu.

Cũng theo bà Lan thì tự do hóa giá cả rất khó thực hiện được trong điều kiện độc quyền như hiện nay. Bà Lan phân tích: “Trong đề án kiểm soát độc quyền chính phủ đưa ra tôi cho rằng cải cách doanh nghiệp như thế nào để đi cùng với tự do giá cả. Nếu không thì tự do giá cả trở thành một thứ thiên lệch. Mặt khác, tự do giá cả phải đi đôi với chính sách cho người nghèo và một số ngành sản xuất cần thiết khác. Trong tâm lý của người dân Việt Nam và cả bản thân tôi có những nguồn tài nguyên tự nhiên cung cấp cho những ngành này thì người dân cũng phải được hưởng chứ không thể chỉ có mỗi doanh nghiệp được hưởng còn người dân lại có thể bỏ qua”.

Cơ hội cho ngành gỗ

Ngày 18/6, báo Người Lao Động điện tử có bài viết: Cơ hội cho ngành gỗ. Theo đó, tác giả bài báo cho biết, xuất khẩu mặt hàng gỗ đang có xu hướng tăng, 5 tháng đầu năm xuất khẩu được 2,4 tỉ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái), dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu khoảng 4,9 tỉ USD, tăng gần 25%.

Hiện một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Riêng ngành hàng gỗ không lệ thuộc nhiều vào thị trường này, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước giành lại thị trường nội địa cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, kế đến là châu Âu, sau đó là các thị trường khác, trong đó có Trung Quốc. Do đó, khi thị trường Trung Quốc gặp trục trặc thì ngành gỗ cũng không gặp khó khăn nhiều. Đó là thông tin tại Hội thảo “Cơ hội cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ” do Hawa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây.

Theo thông tin từ Hawa, năm ngoái các sản phẩm trang trí, đồ gỗ nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 300 triệu USD. Nguồn hàng này chưa được kiểm nghiệm, chứa nhiều độc tố gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trong nước giành lại thị trường nội địa.

Các chuyên gia còn phân tích nếu doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ chiếm được thị trường dễ dàng khi nhiều nước trên thế giới đã e ngại hàng Trung Quốc. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Hawa, cho biết trước đây, các tập đoàn trên thế giới phần lớn đặt hàng đồ gỗ từ Trung Quốc nhưng gần đây, họ chuyển nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời sang Việt Nam và sắp tới sẽ là hàng đồ gỗ trong nhà.

Các chuyên gia nước ngoài cũng cho biết nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam tận dụng tay nghề người Việt để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang các nước trên thế giới với số lượng lớn. Người Việt có tay nghề cao, kể cả công nghệ, để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Cái thiếu của doanh nghiệp Việt Nam là niềm tin để tạo ra sản phẩm đẳng cấp cho thế giới.

Nhiều doanh nghiệp lâu nay chủ yếu xuất bán hàng cho các đối tác ở dạng bán lẻ, do đó sẽ gặp khó khăn về nguồn hàng không ổn định, giá cả phập phù thường ở mức thấp. Chưa kể, các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, sẵn sàng chào giá thấp để giành giật thị trường gây bất lợi cho ngành xuất khẩu đồ gỗ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kiến trúc AA, cho biết doanh nghiệp Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới, không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là hiện nay có một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi ký được nhiều hợp đồng lớn trang trí nội thất cho các công trình lớn ở nước ngoài, trong đó có Công ty AA.

Cần Thơ: Khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao

Ngày 17/6, báo Nông Nghiệp Việt Nam điện tử thông tin: Cần Thơ: Khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo đó, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, diễn ra từ ngày 17-22/6 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế TP Cần Thơ.

Hội chợ quy tụ 450 gian hàng tiêu dùng của 150 doanh nghiệp với các ngành hàng đa dạng như: Gia dụng, dệt may, kim khí điện máy, dược phẩm, thực phẩm, hóa chất, v.v…

Sau 4 năm, các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tái ngộ triển lãm giới thiệu hàng Việt với người tiêu dùng Cần Thơ. Đặc biệt, lần đầu tiên gian hàng sản phẩm đặc sản từ cây hồi của doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn tham gia nhằm mở rộng mạng lưới phân phối tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sự nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm giữ vững thương hiệu, thị trường trước những áp lực của tình hình kinh tế còn khó khăn.

Nhân dịp này, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm BSA ra mắt ba câu lạc bộ thuộc mạng lưới Sáng tạo khởi nghiệp: CLB Sáng tạo khởi nghiệp từ nghề bếp, CLB Nông dân sáng tạo, CLB Đặc sản làng nghề Đồng Tháp. Hội chợ miễn phí vé vào cổng từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều.

Buôn lậu rượu, bia ngày càng phức tạp

Là nhan đề đăng tải trên báo Thanh Niên điện tử ngày 17/6. Theo đó, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, tình hình buôn lậu bia qua biên giới đang có chiều hướng gia tăng.

Ông Đỗ Thanh Hòa - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh cho biết, tại hai bên cánh gà cửa khẩu Mộc Bài bên kia biên giới Campuchia tình hình buôn lậu bia, rượu diễn biến phức tạp. “Các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều kho chứa hàng chủ yếu là bia và rượu ngoại do các doanh nghiệp tại TP.HCM và doanh nghiệp trong khu thương mại công nghiệp Mộc Bài làm thủ tục hải quan xuất khẩu sang Campuchia bán cho doanh nghiệp Campuchia, nhưng họ không nhập khẩu vào Campuchia mà để lại kho này, sau đó tổ chức chia nhỏ, vận chuyển nhập lậu trở lại khu vực hai bên cánh gà vào nội địa về TP.HCM. Đặc biệt, những thời điểm nhu cầu mặt hàng bia, rượu cao, chênh lệch nhiều, buôn lậu gia tăng hoạt động”, ông Hòa cho hay.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra, xử lý 26 vụ, tịch thu 1.558 chai rượu và 7.260 lon bia các loại. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất khiêm tốn, trên thực tế, số hàng lậu vận chuyển qua biên giới lớn hơn rất nhiều lần. Dù biết là hàng nhập lậu nhưng các lực lượng chức năng không thể xử lý vì chính sách còn nhiều kẽ hở. Thay vì phải nộp thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bia sang Campuchia được miễn thuế và được mở tờ khai không hạn chế. Trong khi người Campuchia được mua tương đối thoải mái.

Ông Phạm Hồng Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh cho rằng: “Hải quan chỉ có nhiệm vụ giám sát hàng ra khỏi cột mốc. Còn việc có nhập vào Campuchia hay không lại thuộc quyền quản lý của của hải quan nước bạn. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu đã nhờ người Campuchia mua, nhưng không mang hàng về, mà mang tới các kho hàng thuộc khu vực vành đai. Lợi dụng đường biên giới dài, quân số lực lượng chống buôn lậu mỏng, nên từ đây hàng lậu tuồn qua lối mòn quay trở về Việt Nam”.

Một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho hay, giá vận chuyển mỗi thùng bia Heineken nhập lậu có thể lãi cả trăm nghìn đồng. Đây là lý do, người dân ở vùng biên tiếp tay cho buôn lậu.

Trong khi tình hình buôn lậu bia rượu đang diễn biến phức tạp, thì mới đây, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu bia lên 15 - 30% so với mức đang áp dụng. Mục đích là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng đối với mặt hàng này và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Hòa lại lo ngại, nếu không có giải pháp chống buôn lậu đi kèm sẽ tăng tình trạng buôn lậu.

Bộ Công Thương kiểm tra thủy điện tại Quảng Nam

Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 16/6 thông tin tới độc giả: Bộ Công Thương kiểm tra thủy điện tại Quảng Nam. Theo đó, bài báo cho biết, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra thực tế và làm việc tại Công trình Thủy điện A Vương.

Chuyến kiểm tra này nằm trong kế hoạch kiểm tra quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình, vận hành hồ chứa và các vấn đề liên quan đến thủy điện của các tỉnh Quảng Nam và Đăk Lắk. Đối với tỉnh Quảng Nam, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra 3 thủy điện: Thủy điện A Vương; thủy điện Đăk Mi 4; thủy điện Sông Tranh 2.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Trâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc AVC cho biết: Đối với công trình thủy điện A Vương thuộc hệ thống sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã vận hành hồ chứa đúng theo nhiệm vụ công trình, vận hành đảm bảo an toàn, theo đúng quy trình quy trình liên hồ do Chính phủ và quy trình do Bộ Công Thương ban hành, góp phần giảm lũ trong mùa mưa bão và điều tiết nước, phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào hạ du sông Vu Gia trong mùa hạn. Hiện nay, lượng nước của hồ chứa thủy điện A Vương đảm bảo cung cấp theo nhu cầu trong việc tưới tiêu và góp phần đẩy mặn cho hạ du.

Sau khi kiểm tra, rà soát thực tế các công việc, Đoàn kiểm tra khẳng định Công ty cổ phần thủy điện A Vương đã tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật về thủy điện. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao AVC trong việc quản lý vận hành nhà máy thủy điện A Vương an toàn, hiệu quả; chủ động phối hợp với địa phương về công tác thông tin, thông báo trong quá trình xả lũ; có sự sáng tạo trong công tác vận hành hồ chứa như việc đưa người dân, đại diện địa phương trực tiếp chứng kiến quá trình vận hành hồ chứa mùa mưa bão, tạo niềm tin của đồng bào với thủy điện.

Tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chiến lược ngành Cơ khí

Trang 2, số 146, Thời báo Kinh tế Việt Nam có bài viết Tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chiến lược ngành Cơ khí. Theo đó, bài báo cho biết, ngày 18/5. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ công nghiệp ô tô, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, máy động lực, máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa.

Nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam rà soát, đề xuất chính sách thuế, tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu thiết bị, vật tư sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Bộ KHCN cần ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, v.v…

Tác giả bài viết kết luận, trong thời gian qua, việc thực hiện chiến lược còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website