Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2012 thành công tốt đẹp
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh năm 2011, ngành ngoại thương Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96,91 tỷ USD, tăng 34,2% so với năm 2010, mức cao nhất từ trước tới nay. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt 106,75 tỷ USD, tăng 25,8%.
Bước sang năm 2012, dự báo tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn, thách thức. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ, EU vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, dẫn đến nhập khẩu giảm nhất là đối với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản…Thứ hai, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trọng năm 2011. Thứ ba, theo cam kết về tự do hóa thương mại, các hàng rào bảo hộ thông thường của Việt Nam sẽ tiếp tục được dỡ bỏ, làm gia tăng áp lực đối với Việt Nam trong việc hạn chế nhập siêu. Thứ tư, các mặt hàng nông sản, thủy sản tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ năm, cuộc cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt và ở quy mô lớn hơn trong khi hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Tuy nhiên, năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Sau khủng hoảng, hầu hết các nước phát triển phải tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với đó là quá trình mở cửa để cho hàng hóa của các nước đang phát triển thâm nhập, trong đó có Việt Nam. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là cơ hội để hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu. Mặt khác, ngày 28/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2471/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng cho việc phát triển xuất khẩu thời gian tới.
![]() |
Năm 2012, Quốc hội đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất nhập khẩu 13% trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 108,5 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 121,5 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu.
Để góp phần thực hiện mục tiêu này, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy vai trò của các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ đã giới thiệu về thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh, những thuận lợi, khó khăn và thách thức, đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp về tiềm năng xuất khẩu vào Chi Lê, quốc gia mà Việt Nam vừa mới ký hiệp định tự do mậu dịch (FTA).
Trong bài thuyết trình, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về tiềm năng xuất nhập khẩu của thị trường châu Phi, Trung Đông, Nam Á; điểm lại tình hình trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực này và những triển vọng trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp về tập quán kinh doanh tại châu Phi, Tây Á, Nam Á.
Ông Võ Thanh Hà, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á, Thái Bình Dương đã giới thiệu chi tiết về thị trường Nhật Bản, cơ hội kinh doanh và những chú ý để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Cũng tại Diễn đàn, ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng ban Hợp tác quốc tế-Cục Quản lý Cạnh tranh đã trình bày về hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá và các biện pháp hạn chế rủi ro xuất khẩu.
Trước khi kết thúc Diễn đàn, trong phần hỏi đáp, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời các câu hỏi mà doanh nghiệp nêu ra về các vấn đề quy định xuất nhập khẩu, cách thức thâm nhập thị trường, chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia và các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi kinh doanh với thị trường khu vực châu Phi.