A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá dầu thô quay đầu lao dốc, thị trường lo ngại nguồn cung sẽ tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu thô Brent đã lao dốc mạnh, giảm 3,4% xuống còn 74,53 USD/thùng do thị trường lo ngại việc liên minh OPEC+ không đạt được thoả thuận khai thác mới sẽ khiến các quốc gia thành viên tự hành động và gia tăng sản lượng khai thác.

Trong đầu phiên giao dịch ngày 6/7 (theo giờ địa phương), việc liên minh OPEC+ không đạt được thoả thuận về việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô vào tháng 8 tới đây đã kích thích giá dầu thô bật tăng mạnh; giá dầu thô Brent đạt 77,84 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 và giá dầu thô WTI đạt 76,98 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Tuy nhiên, chính những thông tin này lại khiến một bộ phận giới đầu tư lo ngại việc các nước khai thác dầu thô lớn như Ả-rập Xê-út, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) thuộc liên minh OPEC+ bất đồng về chính sách khai thác có thể khiến mỗi nước tự hành động và nguồn cung dầu thô trên thị trường sẽ tăng lên nhanh chóng. Một số tổ chức kinh tế cũng cảnh báo các rủi ro biến động thị trường lớn xoay quanh sự bất đồng của liên minh OPEC+.

Giá dầu thô

 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 7/6 - 7/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Tâm lý lo ngại này bao trùm thị trường vào cuối phiên giao dịch và đẩy giá dầu thô quay đầu lao dốc. Chốt phiên giao dịch ngày 6/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã quay đầu giảm mạnh 3,4% xuống chỉ còn 74,53 USD/thùng. Tương tự, giá dầu thô WTI cũng lao dốc 2,4% xuống chỉ còn 73,37 USD/thùng.

Phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô của liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, đã bị đổ vỡ khi UAE kiên quyết phản đối kế hoạch nâng sản lượng khai thác mới do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất.

Ả-rập Xê-út đã công khai chỉ trích UAE, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới, về việc nước này không tuân theo kế hoạch chung của liên minh OPEC+. Sự đổ vỡ phiên họp đồng nghĩa với việc liên minh này sẽ không tăng thêm sản lượng khai thác trong tháng 8 tới đây.

Ông Bob Yawger, giám đốc mảng thị trường năng lượng kỳ hạn tại tập đoàn tài chính Mizuho (Hoa Kỳ), cho biết “Thị trường dầu mỏ đang lo ngại UAE có thể tự hành động và gia tăng sản lượng khai thác, những quốc gia thành viên khác trong khối OPEC cũng có thể hành động tương tự”.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ có thể tái nhóm họp trở lại trong tháng này để thoả thuận phương án khai thác mới. Chính phủ Hoa Kỳ cho biết đang theo dõi sát các động thái của liên minh OPEC+ và hoan nghênh các cuộc đối thoại giữa Ả-rập Xê-út và UAE. Cuối tuần trước, Chính phủ Hoa Kỳ đã phát đi thông điệp nhấn mạnh giá dầu thô cần được giữ ở mức hợp lý và công suất khai thác dầu thô thực tế vẫn còn dư địa lớn để tăng lên.

Trong ngày 5/7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ông Ihsan Abdul Jabbar cho biết Iraq kỳ vọng giá dầu thô sẽ không tiếp tục tăng quá cao so với mức hiện tại và liên minh OPEC+ có thể nhóm họp trở lại trong 10 ngày nữa để tìm ra phương án khai thác mới. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 47%.

Giới phân tích cho biết các hãng khai thác năng lượng của Hoa Kỳ có thể sẽ bắt đầu mở rộng sản xuất sau nhiều tháng thờ ờ do giá dầu thô hiện đã tăng cao hơn. Sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ hiện ở mức gần 11 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể so với mức sản lượng kỷ lục 13 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định sự đổ vỡ phiên họp chính sách khai thác của liên minh OPEC+ đã gia tăng rủi ro bất ổn về sản lượng khai thác dầu thô của liên minh này trong thời gian tới. Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức 80 USD/thùng vào đầu năm sau do triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi mạnh.


Nguồn:Tạp chí Công Thương Copy link

Tin nổi bật

Liên kết website