A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phái đoàn Việt Nam tại Geneva phát biểu tại phiên rà soát chính sách thương mại của Na Uy tại WTO

Ngày 30/6/2025, tại trụ sở của WTO, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva đã tham dự phiên rà soát chính sách thương mại (TPR) lần thứ 8 của Na Uy và có bài phát biểu tại phiên họp.

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam Mai Phan Dũng đánh giá cao Na Uy trong việc duy trì môi trường đầu tư minh bạch và cởi mở, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, đáng lưu ý như quy định về trao đổi dữ liệu điện tử bắt buộc thông qua hệ thống thuế giá trị gia tăng đối với thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh giảm chi phí thương mại và tăng cường hàng hóa xuyên biên giới. Việt Nam ghi nhận cam kết của Na Uy đối với tính bền vững và phát triển xanh. Việc ban hành Đạo luật Sản phẩm Bền vững năm 2024 và các sửa đổi đối với các quy định về mua sắm công là ví dụ về những nỗ lực của Na Uy nhằm tích hợp các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chính sách thương mại.

Ở cấp độ đa phương, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Mai Phan Dũng hoan nghênh sự tham gia tích cực của Na Uy vào các khuôn khổ WTO, bao gồm các cải cách về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), các sáng kiến giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường cũng như cách tiếp cận minh bạch đối với cơ chế sàng lọc đầu tư.

Ở cấp độ song phương, thương mại giữa hai nước tiếp tục cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 653 triệu USD. Tính riêng bốn tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại đạt 250 triệu USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Về đầu tư, tính đến cuối tháng 4 năm 2025, Na Uy có 60 dự án đầu tư hợp lệ tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 202 triệu USD, trong các lĩnh vực như kỹ thuật hàng hải, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo và sản xuất công nghệ cao. Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các công ty năng lượng sạch Na Uy trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Việt Nam mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh riêng, như công nghiệp thực phẩm và tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo.

Trước phiên họp, căn cứ thông tin tổng hợp từ Vụ Chính sách thương mại Đa biên - Bộ Công Thương, Phái đoàn Việt Nam đã gửi một số câu hỏi liên quan đến quy định và thực thi của Na Uy trong các lĩnh vực như biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thuế giá trị gia tăng đối với thương mại điện tử, hạn ngạch thuế quan (TRQ), sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, mua sắm của chính phủ, chế độ đầu tư.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website