Tận dụng cơ hội từ EVFTA, xuất khẩu cá tra Việt Nam chinh phục thị trường EU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 70% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 11% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 15 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2023, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam chứng kiến hầu hết các thị trường trong khối EU giảm nhập khẩu mặt hàng này, mức sụt giảm thấp nhất là 13%, cao nhất là giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 3 thị trường chính trong khối giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%. Trong khi đó, thị trường Đức khả quan hơn, vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 78% trong 4 tháng đầu năm nay.
EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh do chiến dịch truyền thông bôi nhọ cá tra ở một số nước châu Âu.
Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU tăng trưởng đột phá do nhu cầu tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đặc biệt, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA phát huy lợi thế trong khi xung đột Nga - Ukraine cùng hàng loạt lệnh trừng phạt của các nước với kinh tế và thương mại của Nga, đã làm tăng nhu cầu của EU về nhập khẩu cá thịt trắng từ Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra sang EU 4 tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với cùng kỳ những năm trước đó, đây cũng là con số đáng ghi nhận trong nỗ lực từng bước đưa cá tra Việt Nam trở lại đường đua sau hàng chục năm bị “mờ nhạt”.
Tuy nhiên, việc từng thị trường trong khối có những kiểm soát riêng lại là một trong những trở ngại đối với thuỷ sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU trong đó có cá tra.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, để có thể tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu cá tra vào thị trường EU.
EVFTA là một trong những FTA của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi. Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với các FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với EVFTA tương đối cao. Có đến 30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, nhờ có EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định.
Bên cạnh cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị trường, EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Theo giới chuyên gia, EVFTA mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. EU là một đối tác lớn hơn so với Việt Nam nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là không nhỏ. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên khoanh vùng lại những thách thức đang đặt ra do EVFTA mang lại để giải quyết, ví dụ như những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn về luật pháp. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách cần đẩy mạnh hơn nữa việc công bố và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ có thể khai thác được tối đa hiệp định này.