A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp hoạt động nổi bất ngành Công Thương trong tuần từ ngày 18/4 đến ngày 24/4/2016

Trong tuần từ ngày 18/4 đến ngày 24/4/2016 đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của ngành Công Thương như: Liên Bộ Công Thương-Tài chính điều hành giá xăng dầu; Lễ ký Hiệp định thư và Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp và làm việc với Bà Fredelita C. Guiza, Bộ trưởng, Trợ lý Tổng thống Phi-líp-pin về An ninh lương thực và Hiện đại hóa nông nghiệp; v.v...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp và làm việc với Bà Fredelita C. Guiza, Bộ trưởng, Trợ lý Tổng thống Phi-líp-pin về An ninh lương thực và Hiện đại hóa nông nghiệp

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo sang Phi-líp-pin đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp đến từ Thái Lan và Ấn Độ, nhằm tăng cường hợp tác thương mại gạo song phương giữa hai nước Việt Nam và Phi-líp-pin, ngày 19 tháng 4 năm 2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tiếp và làm việc với Bà Fredelita C. Guiza, Bộ trưởng, Trợ lý Tổng thống Phi-líp-pin về An ninh lương thực và Hiện đại hóa nông nghiệp.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị Bộ trưởng Guiza và Chính phủ Phi-líp-pin ưu tiên nhập khẩu gạo Việt Nam khi có nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam tham gia các cuộc đấu thầu cung cấp gạo G-G của Phi-líp-pin. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đã đề nghị Bộ trưởng xem xét, báo cáo với Chính phủ Phi-líp-pin cho phép gia hạn Bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phi-líp-pin (Bản thỏa thuận hiện hành hết hạn vào ngày 31 tháng 12 năm 2016). Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ trưởng Guiza và Cơ quan Lương thực quốc gia Phi-líp-pin (NFA) sớm có thông báo về kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2016 để phía Việt Nam có phương án chuẩn bị, đảm bảo nguồn cung gạo tốt nhất, chất lượng nhất, với giá cả hợp lý nhất cho phía Phi-líp-pin, đảm bảo lợi ích cho cả hai nước. Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng đã đề nghị phía Phi-líp-pin tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam (Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam) trong việc thực hiện các hợp đồng tập trung; xem xét miễn phạt giao hàng chậm cho Tổng công ty Lương thực miền Nam đối với các hợp đồng năm 2014 do các nguyên nhân khách quan; không khấu trừ thuế vào tiền hàng do chưa có thông báo trước trong điều kiện mở thầu (TOR) và hợp đồng mua bán.

Hai Bộ trưởng đã thống nhất báo cáo Chính phủ hai nước xem xét, gia hạn Bản thỏa thuận Thương mại gạo cấp Chính phủ cho giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện hợp đồng tập trung tại Phi-líp-pin; chỉ đạo NFA, Phi-líp-pin và doanh nghiệp đầu mối phía Việt Nam chú ý hơn trong việc xây dựng và thống nhất các điều khoản của hợp đồng mua bán để tránh các vẫn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác gạo song phương, Việt Nam ưu tiên xuất khẩu gạo sang thị trường Phi-líp-pin cũng như Phi-líp-pin ưu tiên nhập khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đưa ra các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại gạo trong thời gian tới cũng như hỗ trợ giải quyết các khó khăn cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu gạo vào Phi-líp-pin.

Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với truyền thông và cộng đồng

Sáng ngày 20 tháng 4 năm 2016 tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với truyền thông và cộng đồng”. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20 tháng 4 và chuẩn bị cho Lễ Công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 năm 2016. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đến tham dự và chủ trì sự kiện.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (THQG) Đỗ Thắng Hải chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thu hút sự đồng hành tích cực của DN trong nhiều hoạt động của Chương trình, quy tụ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng DN quyết tâm đưa hàng hóa, dịch vụ mang Thương hiệu Việt Nam (THVN) tương xứng với vị thế mới của đất nước. Trong đó, các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình THQG cũng như khơi dậy phong trào phát triển THVN, tôn vinh các DN, thương hiệu sản phẩm uy tín đạt THQG. Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông nên ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chương trình THQG đã ký kết thỏa thuận hợp tác với những đối tác truyền thông lớn trong nước để thực hiện các hoạt động quảng bá, tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang THVN, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, báo chí đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng DN đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới. Phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp DN có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

“Xây dựng THQG để khẳng định bản sắc trên thị trường là hướng đi đúng. Song phải có thời gian, lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm. Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi DN, Hiệp hội ngành hàng mới tạo ra bước đột biến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Liên Bộ Công Thương-Tài chính điều hành giá xăng dầu ngày 20/4/2016

Thực hiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC; với mục đích góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giá các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh như sau: Xăng RON 92: giữ ổn định giá; Xăng E5: giữ ổn định giá; Dầu diesel 0.05S: tăng 500 đồng/lít; Dầu hỏa: giữ ổn định giá; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 335 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn: Xăng RON 92: không cao hơn 14.940 đồng/lít; Xăng E5: không cao hơn 14.442 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 10.373 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 8.905 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 7.560 đồng/kg.

Thời gian thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 16 giờ 00 ngày 20 tháng 4 năm 2016.

Ngay sau khi nhận được văn bản điều hành của Liên Bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng chính thức có thông báo điều chỉnh giá dầu điêzen & mazút từ 16 giờ 00 ngày 20/4/2016. Theo đó mức giá mới như sau:

Lễ ký Hiệp định thư và Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga

Ngày 20 tháng 4 năm 2016 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Yuri Petrovich Sentyurin thay mặt Chính phủ Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định Liên Chính phủ về việc tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trên lãnh thổ LB Nga trong khuôn khổ của Liên doanh Việt - Nga Rusvietpetro và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Liên Chính phủ về việc tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa CHXHCN Việt Nam của Liên doanh Vietsovpetro ngày 27/12/2010.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc ký kết hai văn bản này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Zarubezhneft, và chính sách ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng dầu khí trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, tạo điều kiện quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hai công ty liên doanh. Việt Nam luôn dành những điều kiện thuận lợi tốt đẹp nhất cho Vietsovpetro và các đối tác Nga hoạt động tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ Nga cũng sẽ dành những điều kiện thuận lợi cho Công ty Liên doanh Rusvietpetro và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả tại Liên bang Nga

Quan hệ hợp tác truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga được hình thành, xây dựng và củng cố qua nhiều thế hệ. Biểu tượng tốt đẹp của quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện, truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Công ty Liên doanh Rusvietpetro, trong đó Petrovietnam và Zarubezhneft là các Phía tham gia. Tại Việt Nam, với lịch sử 30 năm phát triển, Vietsovpetro đã và đang là đơn vị khai thác dầu khí chủ lực của Petrovietnam, là đơn vị đầu tầu, đóng vai trò định hướng quan trọng cho việc Petrovietnam tiếp tục cùng các đối tác của Liên bang Nga trong việc triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Liên bang Nga, Rusvietpetro bắt đầu khai thác dầu từ năm 2010, đã có những đóng góp quan trọng trong công nghiệp khai thác dầu tại Liên bang Nga.

Việc ký kết Hiệp định và Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro và Rusvietpetro, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Góp ý Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Ngày 21/4, Ban Chỉ đạo Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp nhằm lấy ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về Dự thảo lần 2 Quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - Phó Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN và đại diện các đơn vị liên quan tham dự hội nghị.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Đầu tháng 1/2016, đơn vị tư vấn quốc tế đã nộp báo cáo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM). Sau đó Cục Điều tiết Điện lực đã gửi cho các đơn vị để đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã cập nhật, sửa đổi lại nội dung báo cáo và gửi bản Dự thảo lần 2 để các đơn vị tiếp tục xem xét.

Theo ông Tuấn, các nội dung trong dự thảo lần 2 đã sơ bộ thống nhất về mặt nguyên tắc cho giai đoạn VWEM năm 2019 bao gồm: Đăng ký tham gia thị trường (trong đó có phân loại các nhóm thành viên thị trường, đăng ký tham gia đối với từng nhóm đơn vị thành viên, thủ tục đăng ký tham gia, quản lý thành viên thị trường); các quy định về thị trường giao ngay; lập phương thức vận hành năm, tháng, tuần, ngày; tính toán điều độ thời gian thực; chào giá; tính toán thanh toán, v.v…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung vào 9 vấn đề cần điều chỉnh của Dự thảo lần 2 như: Phạm vi quy định vận hành VWEM; Quan hệ giữa Thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư; Cơ chế giá trần thị trường và cơ chế giá công suất thị trường; Dịch vụ phụ trợ trong VWEM; Lập phương thức vận hành; Tính toán giá thị trường; Chu kỳ thanh toán và bảo lãnh thanh toán; Sửa đổi quy định thị trường; Đối tượng tham gia thị trường điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Ban chỉ đạo giao Cục Điều tiết Điện lực, EVN, các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện tiếp tục phối hợp với tư vấn quốc tế để hoàn thiện quy định VWEM năm 2019 theo các nguyên tắc đề xuất. Giao EVN, Công ty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nghiên cứu, đề xuất cơ chế chào giá thay cho các nhà máy điện BOT, nhập khẩu theo các nguyên tắc đề xuất; Giao Cục điều tiết Điện lực phối hợp với tổ thẩm định làm việc với tư vấn quốc tế để đánh giá nội dung Đề án phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường VWEM do EVN xây dựng, hoàn thiện thiết kế tổng thể hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ VWEM để trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
 
Sáng ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số các Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
 
 
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của PVN trong thời gian qua, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thủ tướng tin tưởng với truyền thống vẻ vang và những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, PVN sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới.
 
Thủ tướng yêu cầu PVN nghiên cứu một cách sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về  định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cùng với PVN rà soát lại các quy chế, quy định để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
 
Thủ tướng cũng lưu ý tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên động viên cán bộ công nhân viên khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó tiếp tục phát triển ổn định.

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website