Tổng quan hệ thống lưới điện Thái Bình
Về lưới điện trung áp và hạ áp, lưới điện đã phủ kín các xã, đến tận các thôn xóm và các hộ dân nông thôn; toàn tỉnh có 19 trạm biến áp trung gian 35/10kV; 1990 trạm biến áp phân phối 35/04kV, 10/0,4kV; 1.790Km đường dây 35KV, 10KV; 5.700Km đường dây hạ thế và 461.925 chiếc công tơ, hệ thống lưới điện trung, hạ áp này thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện trực tiếp cho các xã, các đơn vị và cơ quan trên địa bàn tỉnh.
Sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh Thái Bình năm 2010 là 1.111 triệu KWh, năm 2011 dự kiến là 1.215 triệu KWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm so với năm 2010 là 9,35%.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn luôn được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, Ngành ở Trung ương, Thái Bình đã căn bản hoàn thành quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 2006-2010. Nhờ có quy hoạch trên, trong 5 năm qua, Thái Bình đã được Nhà nước đầu tư cho việc xây dựng, cải tạo đường dây và trạm biến áp với nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Nâng cấp trạm biến áp 220kV Thái Bình; đường dây 220kV và 110kV Thái Bình - Hải phòng; đường dây và trạm 110kV Kiến Xương, Vũ Thư.
Đặc biệt trong giai đoạn này và các năm tiếp theo Thái Bình đang tập trung việc đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, cụ thể là:
- 84 xã trong tỉnh, do các tổ chức quản lý điện nông thôn quản lý đã được UBND tỉnh tạo điều kiện cho tham gia dự án năng lượng nông thôn 2 (REII) phần hạ áp với vốn vay khoảng 20 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, đồng thời tỉnh cũng bố trí gần 50 tỷ đồng cho vốn đối ứng dự án. Hiện nay về cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng lưới điện hạ áp nông thôn ở 50 xã và đang chuẩn bị triển khai thi công xây dựng lưới điện hạ áp nông thôn ở 34 xã theo dự án REII mở rộng.
- Ngành điện đã thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trung áp nông thôn:
+ Dự án REII phần trung áp: ở 46 xã thuộc với khối lượng xây dựng mới 59,9 km đường dây trung áp và 118 trạm biến áp phân phối, với tổng mức đầu tư 37,85 tỷ đồng;
+ Dự án RD cấy thêm trạm biến áp ở 103 xã (những xã không tham gia dự án REII) với khối lượng xây dựng mới 51,67 km đường dây trung áp và 122 trạm biến áp phân phối, với tổng mức đầu tư 44,78 tỷ đồng;
+ Đầu tư cải tạo tối thiểu phần hạ áp ở 169 xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ dân với tổng số vốn là 387,2 tỷ đồng.
+ Hiện nay Công ty Điện lực Thái Bình đang triển khai Dự án REII phần trung áp mở rộng tổng mức đầu tư dự kiến là 42,75 tỷ đồng; Dự án đầu tư cải tạo hoàn chỉnh lưới điện hạ áp nông thôn ở 95 xã đã tiếp nhận, tổng mức đầu tư dự kiến là 350 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để đầu tư. Cả hai dự án này, dự kiến hoàn thành trong năm 2012.
Việc thực hiện và hoàn thành các Dự án trên sẽ góp phần hiện đại hoá lưới điện nông thôn Thái Bình, đáp ứng được nhu cầu cung ứng và sử dụng điện, đòi hỏi ngày một tăng của các địa phương trong tỉnh; nguồn cung cấp điện cho Thái Bình được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về chất lượng và số lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp điện, chủ động trong việc truyền tải và phân phối điện đến các xã trong tỉnh.
Về kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh Thái Bình đã đánh giá là một trong những quy hoạch được lập và thực hiện tốt nhất ở Thái Bình và đã góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn hiện nay. Thực hiện việc đầu tư xây dựng lưới điện theo quy hoạch, hệ thống lưới điện của tỉnh ngày càng phát triển, hiện đại và đồng bộ từ khâu cung ứng đến khâu phân phối sử dụng điện, hiện trạng lưới điện trên địa bàn tỉnh như sau:
Để đảm bảo nhu cầu về điện cho những năm tới, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đạt mức tăng trởng bình quân GDP là 13,5%/năm giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là 13%/năm (chỉ tiêu này đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII thông qua), thì hệ thống lưới điện của Thái Bình trong những năm tới cần phải cải tạo và phát triển thì mới đảm bảo được nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng tăng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Bình về việc lập Quy hoạch điện tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với Viện Năng lượng - Bộ Công Thương xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, có xét tới năm 2020” và Ngày 24/12/2010 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 6760/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020".
Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 đã xây dựng đáp ứng được yêu cầu của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch đã được duyệt: Đến năm 2015, dự kiến công suất cực đại Pmax = 535MW; điện thương phẩm 2.564 triệu KWh; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 là 18,92%/năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo lưới điện trong giai đoạn 2011 - 2015 theo quy hoạch điện tỉnh là 2.251 tỷ đồng.
Thực hiện Quy hoạch điện này, ngay trong năm 2011, các đơn vị chủ đầu tư thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai các dự án công trình điện sau:
- Đường dây 220KV: Trạm 220kV Thái Thuỵ - Kim Động (Hưng Yên), Trạm 220kV Thái Thuỵ - Trực Ninh (Nam Định).
- Đường dây 110KV và trạm biến áp 110kV Quỳnh phụ.
- Đường dây 110KV: Trạm 110kV Thái Thụy - Trạm 220kV Thái Thụy - Trạm 110kV Tiền Hải.
- Trạm biến áp 220KV Thái Thụy và đường dây 220kV từ Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình đấu nối với trạm 220kV Thái Thụy.
Để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện tỉnh trong những năm tới, Sở Công Thương với nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiên quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực; đã phối hợp tốt với các các Sở, ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện tỉnh, đảm bảo cho hệ thống lưới điện của tỉnh được xây dựng phát triển theo quy hoạch và sẽ tiết kiệm được vốn đầu tư, giảm tổn thất điện năng và giải toả các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đảm bảo nhu cầu điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình trong những năm tới, góp phần vào hoàn thành, thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.