A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UKVFTA - Cơ hội thương mại sản phẩm xanh với thị trường Anh

Với lợi thế từ Hiệp định UKVFTA, chính sách chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh và bền vững của Vương quốc Anh mặc dù là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhờ những cam kết trong hiệp định, xóa bỏ nhiều dòng thuế quan và sự dịch chuyển nhu cầu sang các sản phẩm phục vụ nền kinh tế xanh, bền vững hơn.

Chính sách thương mại xanh và công bằng của Vương quốc Anh

Theo thống kê của Vương quốc Anh, các thiên tai và ảnh hưởng của tự nhiên đã gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới từ năm 2000 đến năm 2019. Có 44.000 tỷ USD gia trị kinh tế toàn cầu đang nằm trong vùng phụ thuộc vào ảnh hưởng của tự nhiên và dễ bị thiệt hại bởi biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, 2022 là năm thứ 6 liên tiếp nhiệt độ thế giới đạt mức nóng nhất, với nhiệt độ bề mặt trái đất cao hơn 1,06 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Có đến 100 triệu ha rừng đã bị mất trong thế kỷ này và con số đó tương đương với 4 lần diện tích nước Anh.

Vì vậy, nếu không có hành động ngay lập tức, thương mại toàn cầu có thể đối mặt với những khủng hoảng lớn hơn và thường xuyên hơn về vấn đề môi trường.

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), thương mại có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và hủy hại môi trường, bằng cách giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ và công nghệ thân thiện với môi trường, tăng tốc việc áp dụng chúng trên toàn thế giới. Ngoài ra, tự do thương mại còn bảo vệ môi trường bằng cách tăng hiệu quả sản xuất thông qua chuyên môn hóa. Với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và biến đổi thành một công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị xanh, bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, Vương quốc Anh đã và đang dẫn đầu trong việc hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới để phá vỡ các rào cản thương mại về hàng hoá và dịch vụ có lợi cho môi trường, đảm bảo thương mại tự do giúp tăng tốc việc áp dụng các công nghệ xanh trên toàn thế giới.

Kể từ sau quá trình Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, nước này đã và đang xây dựng bộ quy tắc và luật chơi thương mại riêng của mình, phù hợp với chính sách “nước Anh toàn cầu”. Trong đó, Vương quốc Anh đẩy mạnh thúc đẩy các chính sách thương mại xanh và công bằng, song song với việc đàm phán, ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Vương quốc Anh (UKVFTA).

Những cơ hội mới trong thương mại xanh với Anh

Tại hội thảo “Hiệp định UKVFTA - Thương mại xanh và công bằng với Việt Nam” được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công Thương đã từng nhận định, thương mại xanh là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, Hiệp định UKVFTA ngoài lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, còn tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Đặc biệt với các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, Hiệp định còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng, xu thế phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh - cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy những cơ hội mới trong thương mại xanh với Anh. Đó là triển vọng xuất khẩu các sản phẩm sắt thép được sản xuất theo công nghệ phi carbon hoá. Vì Vương quốc Anh đi đầu trong chuyển đổi sản xuất thép theo công nghệ này. Các doanh nghiệp thép Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình phi các bon hoá trong khuôn khổ hợp tác giữa Vương quốc Anh và các nước ASEAN để thúc đẩy sản xuất thép ít sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.

Bên cạnh đó là cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia dụng và thiết bị sử dụng tiết kiệm điện như: tủ đá, máy giặt, bóng đèn...

Cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên gồm từ tre, nứa, sản phẩm cách nhiệt làm từ vật liệu tái chế đang có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành xây dựng của Vương quốc Anh.

Ngoài ra, cơ hội xuất khẩu các thực phẩm hữu cơ được canh tác theo hướng không dùng hóa chất… là xu hướng mà người tiêu dùng Anh đang có nhu cầu cao trong khi doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế đáp ứng.

Không chỉ Việt Nam có lợi thế, ông Cường còn cho rằng doanh nghiệp Anh có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực thế mạnh của họ. Điển hình như năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý rác thải, giảm thiểu các bon trong lĩnh vực giao thông… Đây là những lĩnh vực doanh nghiệp Anh có thế mạnh, có thể cung cấp công nghệ cho Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước, quản lý rác thải nhất là rác thải nhựa…

Theo đại diện Đại sứ quán Anh, Hiệp định UKVFTA sẽ giúp cho Việt Nam nhập các máy móc, thiết bị liên quan đến năng lượng tái tạo không phải chịu thuế. Cùng với đó phía Anh cũng ký với Việt Nam về chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật.

Được biết, trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng, Anh cũng đang làm việc với các bộ ban ngành của Việt Nam để đưa ra gói hỗ trợ tài chính hợp lý đến doanh nghiệp Việt Nam, thông qua các ngân hàng. Sẽ có cơ chế cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận các khoản hỗ trợ này.


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website