Khai thác Hiệp định UKVFTA: Chủ động ứng phó phòng vệ thương mại từ thị trường
Sau khi đi vào thực thi từ ngày 1/5/2021, đến nay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã thật sự trở thành đường cao tốc hai chiều thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anhn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam cần chủ động ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại để duy trì xuất khẩu ổn định cho hàng hóa.
Thương mại song phương khởi sắc
Hiệp định UKVFTA đã giúp thương mại giữa hai nước tăng gần 11% từ năm 2020 đến năm 2021. Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.
Đánh giá về tác động của UKVFTA tới thương mại song phương Việt Nam – Vương quốc Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương Quốc Anh nhận định, UKVFTA trở thành cầu nối giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Điều đó cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh. “Nếu so sánh với các đối tác khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là ảnh hưởng từ các trở ngại sau khi Anh rời khỏi EU thì kết quả về tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào”- ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.
Ghi nhận về tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường Anh, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận điều này đã thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA. Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ông Tô Hoài Nam cho rằng, với một thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Vương Quốc Anh, việc xuất khẩu có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những ảnh hưởng từ đại dịch cũng như chiến sự Ukraina là thành công lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo cam kết của UKVFTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch hoặc có hạn ngạch, ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản... Ở chiều ngược lại, rất nhiều hàng hóa của Anh cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi xuất vào Việt Nam. Như vậy, với thuận lợi từ Hiệp định UKVFTA, năm 2023 và dự báo giai đoạn tới xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục khởi sắc.
Chủ động phòng vệ thường mại
Hiện, cơ hội để hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Anh tiếp tục mở rộng khi quốc gia này tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Tại Báo cáo thương niên phòng vệ thương mại 2022 vừa được công bố cho biết, thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Anh đã điều tra tổng cộng 4 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 1 biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, theo Thỏa thuận rút khỏi EU, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, Anh không còn là thành viên của EU và việc áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép được tiến hành độc lập giữa EU và Anh. Sau sự kiện này, cả Anh và EU đều tiến hành rà soát và cập nhật lại các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng.
Đối với Việt Nam, hiện nay Anh chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép. Cụ thể, tháng 3/2022, Cơ quan Phòng vệ thương mại Anh khởi xướng điều tra rà soát biện pháp tự vệ với sản phẩm này. Tháng 6/2022, Cơ quan này ban hành báo cáo kết luận cuối cùng, thép Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan riêng theo từng quý và áp dụng hạn ngạch thuế quan còn dư đối với một số sản phẩm thép từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024. Lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được miễn thuế, thuế ngoài hạn ngạch là 25%.
Ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh, Thương vụ cũng đã có khuyến cáo, một số sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang UK có thể lọt vào tầm ngắm điều tra chống bán phá giá hoặc điều tra chống trợ cấp nếu tăng trưởng quá “nóng”. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt được khuyến nghị cần nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại trong các Hiệp định nói chung, các quy định về phòng vệ thương của EU/Vương quốc Anh nói riêng, cũng như ý thức toàn diện, sâu sắc về các công cụ phòng vệ thương mại có trong tay.
Theo Bộ Công Thương, nội dung về phòng vệ thương mại trong 2 Hiệp định UKVFTA và EVFTA là tương tự như nhau. Trong đó, chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại 2 Hiệp định bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống trong WTO (bao gồm các biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Cụ thể, nội dung về biện pháp phòng vệ thương mại được quy định bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các Bên trong trường hợp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh (phá giá/trợ cấp) hoặc do thực hiện nghĩa vụ tại Hiệp định khiến hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước
Đồng thời, Hiệp định UKVFTA bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, bảo đảm hiệu quả của việc tham gia Hiệp định. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển tiếp khi Anh rời khỏi EU, tất cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà Vương quốc Anh duy trì sẽ trải qua quá trình xem xét chuyển đổi trên toàn Vương quốc Anh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đánh giá được sự cần thiết phải trang bị các thông tin cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường đối tác, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng ấn phẩm điện tử: Cẩm nang phòng vệ thương mại dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len. Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do EU, Vương quốc Anh và Bắc ai-len điều tra áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất cần thiết.