Việt Nam và Ghi-nê ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo
Tham dự buổi lễ, về phía Ghi-nê còn có ông Madikaba Camara, cố vấn Tổng thống Ghi-nê, ông Bafode Boua Soumah, Đại diện Cục Nội thương và Cạnh tranh quốc gia và các quan chức của Bộ Thương mại, doanh nghiệp Ghi-nê.
Về phía Việt Nam, có Lãnh đạo các Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ hợp tác quốc tế của Bộ Công Thương và đại diện Bộ Ngoại giao.
Trước khi diễn ra Lễ ký kết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại Ghi-nê để bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại Ghi-nê, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam và Ghi-nê có quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp. Ghi-nê là nước dân tộc chủ nghĩa đầu tiên ở châu Phi có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (9/10/1958), tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của Chính phủ và nhân dân Ghi-nê trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại năm 1978 và trao đổi một số đoàn cấp cao.
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá thời gian qua, mặc dù có sự tăng trưởng song trao đổi thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng. Bộ trưởng tin tưởng chuyến thăm của đoàn Ghi nê lần này sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu song phương ngang tầm với quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp. Với tư cách là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam cam kết tích cực tham gia bảo đảm an ninh lương thực một cách có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong đó có Ghi-nê.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại, hai bên còn có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư, dịch vụ, v.v... Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với Ghi-nê.
Phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời là những nước đang phát triển và là thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam và Ghi-nê cần tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Phát biểu nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại Ghi-nê đã cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Bộ Công Thương dành cho đoàn kể từ khi đến Việt Nam. Bộ trưởng cho biết Tổng thống Ghi-nê Alpha Condé rất quan tâm và coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn xây dựng quan hệ hai nước trở thành hình mẫu trong việc hợp tác Nam-Nam. Bộ trưởng đánh giá cao nền nông nghiệp Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất lúa nước. Ghi-nê được xem là một trong những cửa ngõ của khu vực Tây Phi, có cảng biển Conakry hiện đại, cơ sở hạ tầng đường bộ thuận tiện nối liền với thủ đô kinh tế của các nước khác như Bờ Biển Ngà, Guinee Bissau, Sierra Leone, Mali, Liberia, Senegal. Bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rằng Việt Nam và Ghi-nê có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác. Trong thời gian tới, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để nâng tầm quan hệ hợp tác song phương nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, hai Bộ trưởng nhất trí cần triển khai các giải pháp sau:
Một là hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hoạt động. Việc ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo là một tiền đề quan trọng và là hoạt động cụ thể góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Ghi-nê cần theo sát, đôn đốc và hỗ trợ hai đơn vị đầu mối (Vinafood 2 và Cục Nội thương và Cạnh tranh quốc gia Ghi-nê) trong việc thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong MOU này.
Hai là Việt Nam và Ghi-nê cần tăng cường trao đổi các đoàn cấp Chính phủ, doanh nghiệp, qua đó có thể tìm hiểu thực tế về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc và kinh doanh trực tiếp. Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Ghi-nê cần như gạo, sản phẩm dệt may, thuốc lá, giày dép, sản phẩm sắt thép, hóa chất, linh kiện phụ tùng xe đạp xe máy, phân bón và tăng cường nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Ghi-nê như hạt điều, gỗ, sắt thép phế liệu, khoáng sản.
Ba là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Ghi-nê cần thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp những thông tin về cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, danh sách các công ty xuất nhập khẩu uy tín để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận, giao dịch trực tiếp. Đầu mối phía Việt Nam sẽ là Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á – Bộ Công Thương.
Bốn là hai bên cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư, dịch vụ, v.v… Chẳng hạn, Ghi-nê là quốc gia sản xuất bô xít lớn thứ hai thế giới sau Ôt-xtrây-lia nên có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc khai thác tài nguyên này. Ngược lại Việt Nam có thể đầu tư sang Ghi-nê trong các lĩnh vực như chế biến hạt điều, xay xát gạo, sản xuất xe gắn máy, v.v…
Năm là tích cực ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề lớn cùng quan tâm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tích cực tham gia các dự án phát triển ba bên trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam.
Cộng hòa Ghi-nê là quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi, có dân số 11 triệu người. Trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa hai nước bước đầu có sự tăng trưởng khá, nhất là xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này.
Do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên mỗi năm, Ghi-nê phải nhập khẩu từ 350.000 đến 400.000 tấn gạo. Trong khi đó Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đạt 7,7 triệu tấn. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Ghi-nê thời gian qua, gạo luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 60 đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo thường tăng giảm thất thường và phần lớn xuất khẩu thực hiện qua trung gian là thương nhân của một nước thứ ba. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Ghi-nê đạt mức cao nhất 78 triệu USD trên tổng giá trị 95 triệu USD hàng hóa các loại. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gạo là 23 triệu USD trên tổng kim ngạch 40 triệu USD.
Nhận thấy vai trò và vị trí thị trường gạo của Ghi-nê, Bộ Công Thương đã giao Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á phối hợp với các đơn vị hữu quan của Việt Nam thúc đẩy trao đổi, đàm phán để thiết lập cơ sở pháp lý của việc xuất khẩu gạo. Việc làm này góp phần mở rộng thị trường, xác định vị trí mặt hàng, thương hiệu gạo Việt Nam.
Việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, trực tiếp, giúp phát triển quan hệ, từng bước tiến tới xây dựng đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa Việt Nam và Ghi-nê.
Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Ghi-nê còn có ý nghĩa lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Châu Phi, khu vực hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam, tạo động lực đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường các nước Châu Phi khác. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nâng cao vai trò chủ động, tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Theo kế hoạch, trong thời gian ở Việt Nam từ ngày 28/3 đến 3/4/2013, Bộ trưởng Bộ Thương mại Ghi-nê sẽ đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ, làm việc với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Nam, đi thăm Công ty TNHH Một thành viên Phân Đạm và Hóa Chất Hà Bắc, Công ty sản xuất và lắp ráp xe máy Sufat tại Hưng Yên.