Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung: Chính sách và giải pháp mở rộng thị trường thương mại điện tử
Đây là chủ đề của hội nghị do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS), Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức ngày 25/9/2024 trong chuỗi sự kiện thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Tiếp nối thành công của Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc và vùng Tây Nguyên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục tổ chức Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và KTS phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. TMĐT đang phát triển rất nhanh nhưng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế: Khoảng cách phát triển giữa các địa phương không đồng đều, sản phẩm TMĐT của các địa phương nhiều khi trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau. Để phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại này, đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là tất yếu và là chủ trương lớn của Chính phủ hiện nay.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin về tình hình phát triển TMĐT địa phương
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng, nơi có truyền thống cách mạng vẻ vang, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của toàn Vùng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương trong Vùng đã có sự bứt phá. Kết cấu hạ tầng được cải thiện. Với những đặc điểm nêu trên, Thương mại điện tử sẽ là cầu nối, công cụ hữu hiệu để kết nối và khai thác nhanh hơn, hiệu quả hơn các sản phẩm, dịch vụ tạo ra chuỗi giá trị chung cho toàn vùng và liên vùng.
Tại Hội nghị, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận về các chủ đề: “Liên kết vùng trong thương mại điện tử: Từ chính sách đến thực tiễn”; “Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”; “Kết nối, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”.
Một trong những nội dung mới của Hội nghị lần này là định hướng, chính sách thuế trong thương mại điện tử do Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình bày.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân thông tin về chính sách thuế trong TMĐT
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, các diễn giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp chinh phục thị trường thương mại điện tử, tăng doanh số bán hàng trên các nền tảng số thông qua tương tác trực tiếp trên livestream, giải pháp phát triển logistics trong thương mại điện tử, từ đó chung tay thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ
Hội nghị khép lại thành công với Biên bản ghi nhớ được ký giữa Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) và đại diện các doanh nghiệp vận hành dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ (Viettel Post, Tiktok Shopee)… với mục tiêu cụ thể hóa, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, cùng các địa phương thu hẹp khoảng cách; tiết kiệm nguồn lực, chi phí; nâng cao năng lực cạnh tranh; có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng lớn, giúp thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển nhanh và bền vững.