Kết nối tiêu thụ cà rốt tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài
Cà rốt là 01 trong 08 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ đồng hành với tỉnh Hải Dương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cà rốt nói riêng, nông sản nói chung tại thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới.
Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của Hải Dương với các Thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức ngày 26/10 tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương do Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 150 điểm cầu, trong đó có 36 điểm cầu quốc tế. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện các Thương vụ Việt Nam tại một số nước như Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan…; đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của 60 tỉnh, thành phố.
Chất lượng cà rốt Việt Nam tiếp tục được khẳng định
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương hiện có 08 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, gắn mã truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc…đem lại giá trị kinh tế cao.
Cà rốt là 01 trong 08 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy.
Năm 2008 cà rốt của Cẩm Giàng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; qua đó góp phần khẳng định định giá trị và thương hiệu sản phẩm cà rốt của tỉnh Hải Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan,… còn lại 30% tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu; mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày.
Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp; trong đó có vải thiều và cà rốt. Liên tục trong 02 năm (2021 và 2022) UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 03 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như: Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều năm 2021 và 2022; Lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022. Các hoạt động xúc tiến thương mại này đã tạo hiệu ứng lớn cả trong nước và quốc tế; với sự kết nối, tham gia của gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài tại 18 quốc gia và khu vực trên thế giới; qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản của Hải Dương nói chung, cà rốt, vải thiều nói riêng trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Văn Quân mong muốn thông qua hội nghị này Hải Dương tiếp tục nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của Hải Dương tại nước ngoài. Kết nối các doanh nghiệp Hải Dương với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản của Hải Dương trên thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - chia sẻ, đối với mặt hàng cà rốt, thị trường nước ngoài thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều thị trường đã mở cửa cho cà rốt Việt Nam, đồng thời, chất lượng cà rốt Việt Nam tiếp tục được khẳng định.
Hàn Quốc là một trong những thị trường chính của cà rốt Việt Nam. Ngoài Hàn Quốc, các thị trường trọng điểm của cà rốt Việt Nam là Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông, EU…
Cũng theo ông Lê Hoàng Tài, tiềm năng phát triển xuất khẩu của cà rốt Việt Nam nói chung và cà rốt Hải Dương nói riêng còn rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch như nước ép rau củ, rau củ sấy, mứt kẹo rau củ…
Đẩy mạnh đầu tư, phát triển chuỗi giá trị gia tăng
Xác định cà rốt thuộc nhóm cây trồng chính của tỉnh Hải Dương, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân và doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Tài cũng khuyến nghị ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, tiếp tục mở rộng vùng trồng cà rốt theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng dịch hại, đặc biệt là tuyến trùng, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng, nhằm đẩy mạnh tính cạnh tranh và tăng uy tín quốc tế, tăng mức độ thu hút cho sản phẩm cà rốt tỉnh Hải Dương tại các thị trường lớn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng nhằm giúp sản phẩm cà rốt Hải Dương có cơ hội tiếp cận đa dạng thị trường xuất khẩu, tiếp cận tệp khách hàng lớn hơn và gia tăng giá trị sản phẩm từ cà rốt xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và sản xuất cà rốt cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi mô hình liên kết,… để tăng năng lực xuất khẩu.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, sẽ đồng hành với tỉnh Hải Dương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cà rốt nói riêng, nông sản nói chung tại thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới.
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mong muốn có nhiều thông tin đánh giá và nhận định những rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để bảo đảm minh bạch, an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới. Có nhiều cách thức tiếp cận để quảng bá nông sản của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, tạo điều kiện hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Quan tâm việc quảng bá, xây dựng khu du lịch trải nghiệm tại vùng trồng cà rốt nhằm nâng cao giá trị loại cây này...
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp đã tham gia ký kết thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt và nông sản của Hải Dương.