A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm thương hiệu hồng Vành khuyên, Lạng Sơn

Từ lâu hồng Vành khuyên đã được người dân trồng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) nhưng được trồng nhiều nhất là ở các xã: Tân Mỹ hơn 500ha; Hoàng Việt 220ha.

Đến nay, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) có hơn 1.352ha hồng Vành khuyên, trong đó, có hơn 863ha diện tích đã cho thu hoạch quả. Cây hồng trở thành cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo của huyện. 

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh "Văn Lãng" cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên và từ tháng 5/2018 hồng Vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.

Năm nay, người trồng hồng trên địa bàn huyện rất phấn khởi bởi hồng vừa được mùa, được giá. Theo người dân địa phương, hồng Vành khuyên có phần đài hoa hằn trên núm quả, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi hồng Vành khuyên.

Hồng Vành khuyên quả to, tròn, ăn giòn, ngọt khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Quả hồng Vành khuyên đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc. Khi bổ ngang trái hồng sẽ thấy hình giống như cánh hoa, không hạt, óng ánh, giòn và ngọt.

 

Năng suất hồng Vành khuyên năm nay của huyện ước đạt 6 đến7 tấn/ha (tăng khoảng 1,5 tấn/ha so năm 2022); giá bán hiện đang dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn 6.000-8.000 đồng/kg so vụ hồng năm 2022. Nguyên nhân là do năm nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thương lái đến tận vườn lựa chọn, thu mua hồng. Sản lượng hồng toàn huyện ước đạt hơn 6.000 tấn, tăng khoảng 1.000 tấn so năm 2021, giá trị kinh tế ước đạt hơn 75 tỷ đồng.

Cùng với nhân rộng diện tích lên 2.000ha vào năm 2025 và đạt 2.300ha vào năm 2030, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tận dụng tối đa nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đa dạng hóa hơn nữa cách phát triển thương hiệu. Trước mắt, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ giống hồng Vành khuyên; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến để đa dạng chủng loại sản phẩm (hồng sấy khô, sấy dẻo); và chú trọng xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm quả hồng… Cùng đó, thực hiện cải tạo những vùng trồng hồng già cỗi; xây dựng và hình thành vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho cây hồng Vành khuyên; hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm bằng các phương pháp chế biến sâu như: hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, hồng sấy... đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, sàn thương mại điện tử; tăng cường tìm kiếm kết nối tiêu thụ để sản phẩm hồng Vành khuyên của huyện có đầu ra ổn định, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Với sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện và sự chủ động của người dân trong phát triển sản xuất, thời gian tới, sản phẩm quả hồng Vành khuyên của huyện sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.


Tác giả: An Sơn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website