Đồng Nai đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Nhằm giảm bớt những hậu quả mà chất thải nhựa gây ra đối với môi trường sinh thái, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
(Ảnh minh họa)
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 2 ngàn tấn chất thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ rác thải nhựa khoảng từ 120-140 tấn. Rác thải nhựa bao gồm các vật dụng đã qua sử dụng như chai, ly, muỗng, bao bì, túi nilon hay các sản phẩm nhựa gia dụng khó phân hủy...
Để giảm thiểu rác thải nhựa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Để hoàn thành mục tiêu, Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng ấn phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị. Tổ chức thu gom, xử lý chất thải trôi nổi (trong đó các chất thải nhựa) trong môi trường nhất là các dòng sông, suối, kênh, rạch.
Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chú ý hơn đến những ảnh hưởng môi trường từ việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm, tránh lãng phí, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất thực phẩm, từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Khuyến khích cộng đồng, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu, sản phẩm có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối và sử dụng thực phẩm...
UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh. Đồng thời, yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích niêm yết công khai giá bán túi nilon cho khách hàng, có biện pháp kiểm tra giám sát và xử lý các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp miễn phí túi nilông cho khách hàng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, bằng nhiều biện pháp thiết thực, nhiều đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện nhân rộng mô hình “Phân loại rác tại nguồn”, phát động phong trào “Đổi rác lấy quà” nhằm khuyến khích người dân phân loại rác thải nhựa tại nguồn, góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.
Cùng với đó, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh đồng loạt cung cấp các loại túi được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường cho khách hàng như túi vải, sử dụng lá chuối để gói rau…
Nhằm giảm bớt những hậu quả mà chất thải nhựa gây ra đối với môi trường sinh thái, nhiều người dân và nhiều doanh nghiệp trên toàn tỉnh đã có ý thức và cam kết, có nhiều biện pháp nhằm chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.