Đồng Nai: Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Nhằm quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các chủ dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch hoàn thành xây dựng lộ trình đầu tư, chuyển đổi, bổ sung công nghệ xử lý CTRSH hiện có sang công nghệ đốt, kết hợp với việc thu hồi năng lượng hoặc phát điện theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bao gồm cả tro xỉ và chất trơ từ quá trình đốt được xử lý, tái chế, tái sử dụng theo các quy chuẩn quy định.
Đó là một trong những mục tiêu quan trọng tại Quyết định số 3263/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025, triển khai đến 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của UBND tỉnh; mở rộng mạng lưới thu gom, đảm bảo thu gom toàn bộ lượng CTRSH phát sinh toàn tỉnh. 80% tổ chức, cá nhân thu gom CTRSH và 100% đơn vị vận chuyển CTRSH phải đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại CTRSH từ các hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định; 100% người lao động trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH phải được trang bị bảo hộ lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Phấn đấu 100% trạm trung chuyển đang hoạt động tại các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường; Hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật và đưa dự án xử lý CTRSH phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu đi vào vận hành sau 03 năm triển khai xây dựng, phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Biên Hòa 1.
Đồng thời, đưa các nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy hoạch điện rác vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050, trong đó, tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 04 Khu xử lý Quang Trung, Vĩnh Tân, Túc Trưng và Bàu Cạn.
Mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilong khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu tất cả các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp, đáp ứng với thành phần, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, vận hành hiệu quả các dự án xử lý chất thải hiện hữu, đồng thời đầu tư bổ sung các công nghệ xử lý chất thải khác để thu hồi, tái chế và tiêu hủy giảm tối đa lượng chất thải phải tiếp nhận để tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. Đến năm 2030, chấm dứt hoàn toàn chôn lấp trực tiếp CTRSH.
Đồng thời, đầu tư các nhà máy chất xử lý thải rắn (rác); phấn đấu đến năm 2026 đảm bảo phải chọn đủ 04 nhà đầu tư; đến năm 2030 hoàn thành các dự án đi vào hoạt động và chấm dứt việc chôn chất thải rắn trực tiếp…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 8 giải pháp để thực hiện: (i) Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý CTRSH; (ii) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTRSH và tăng cường năng lực thực thi; (iii) Nâng cao hiệu quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; (iv) Triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động các Khu xử lý CTRSH; (v) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư công nghệ xử lý, ứng dụng giải pháp về công nghệ thông tin trong công tác quản lý CTRSH; (vi) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; (vii) Nâng cao năng lực cho các cơ sở thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH; (viii) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.
Tại Đề án, UBND tỉnh giao Sở Công Thương nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm các thủ tục đấu nối và bán điện dưới lưới đối với nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn, sinh khối khi có hướng dẫn của Bộ Công thương để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi nilông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh. Đồng thời, yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích niêm yết công khai giá bán túi nilon cho khách hàng; có biện pháp kiểm tra giám sát và xử lý các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hàng.