TP HCM điều chỉnh thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp
Các cơ sở trên địa bàn TP HCM có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) sẽ phải nộp phí bảo vệ môi trường.
UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố. Cùng với đó, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.
Ảnh minh họa
UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn các quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cho các đối tượng nộp phí. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động thường xuyên, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường theo đúng quy định với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp cho từng đối tượng.
Đối với việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo cho đơn vị cung cấp nước sạch mọi thay đổi từ đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên sang đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hoặc giá dịch vụ thoát nước và ngược lại. Bảo đảm mọi đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hoặc phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hoặc giá dịch vụ thoát nước.
UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố đối với cơ sở trên địa bàn quản lý có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ).
Đồng thời, thực hiện thu phí đối với những cơ sở trên địa bàn quản lý có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phát sinh trước ngày 1/1/2022.
Giao Công an TP.HCM (lực lượng Cảnh sát môi trường) tổng hợp số liệu thanh kiểm tra, điều tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, TP. Thủ Đức trong vòng 90 ngày kể từ ngày thanh kiểm tra, điều tra. Qua đó, làm cơ sở thẩm định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Đơn vị cung cấp nước sạch có trách nhiệm thực hiện thu hộ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có mức phí bằng giá dịch vụ thoát nước theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 5/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP về việc quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Cụ thể, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.
Bên cạnh đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m2/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau:
Thứ nhất, áp dụng mức phí 1,5 triệu đồng cho năm 2020.
Thứ hai, kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau: Lưu lượng nước thải bình quân từ 10 - 20 m3/ngày có mức phí là 04 triệu đồng/năm; Từ 5 – 10 m3/ngày có mức phí 3 triệu đồng/năm; Dưới 5 m3/ngày có mức phí 2,5 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, Chính phủ quy định 07 trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đó là: Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện; Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; Nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn; Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân;…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.