Phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ - sứ giả kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế
Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới độ mở của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới với tỷ trọng xuất, nhập khẩu trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) là hơn 200%. Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định đa phương thế hệ mới, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Anh và Bắc A-len (UKVFTA).
Trong những năm gần đây, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng GDP, bảo đảm các cân đối lớn; chuỗi cung ứng lao động hồi phục nhanh; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; làm tốt công tác đối ngoại…
Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành Công Thương trong các hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt là hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á- châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai); khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Về hoạt động chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
Các Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.
Các Thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều Thương vụ đã chủ trì và phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại-đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày 19/8/2022 tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy hiệu quả vai trò tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cán bộ Thương vụ phải tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, dược phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Đây là chủ đề nóng và thách thức đối với Việt Nam nhưng lại là chủ đề hấp dẫn với các đối tác phát triển. Để góp phần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, các Thương vụ cần tích cực tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.
Cuối cùng, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, phát triển hệ thống Thương vụ Việt Nam đồng bộ, chặt chẽ, đội ngũ cán bộ làm công tác Thương vụ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương và đội ngũ cán bộ đang công tác tại các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm có kế hoạch phối hợp với các Bộ ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo và có hiệu quả công tác Thương vụ. Đặc biệt, Bộ sẽ nghiêm túc thực hiện giao ban định kỳ hàng tháng và sẽ có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng mong sẽ nhận được quan tâm hơn nữa của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành để công tác Thương vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng hơn nữa trong thời gian tới./.