A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Nông cụ thể hóa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Trong Kế hoạch số 181/KH-UBND về tổng thể thực hiện Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030 được ban hành, tỉnh đề ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai các dự án về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất và chất lượng.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030;

Theo đó, để cụ thể hóa Quyết định số 1322/QĐ-TTg, Quyết định số 36/QĐ-TTg phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Đắk Nông. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng, đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.

Với mục tiêu đến năm 2025 đào tạo, tập huấn về năng suất và chất lượng cho trên 1.000 cán bộ, công chức và người lao động thuộc các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức và doanh nghiệp; 30 % doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng; Hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp xây dựng và triển khai các dự án về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất và chất lượng. Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương.

Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 20 chuyên gia về năng suất và chất lượng, chuyên gia đánh giá, chứng nhận đạt tiêu chuẩn quy định; 80% số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất và chất lượng; Tối thiểu 50 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng và triển khai các dự án về cải tiến năng suất, chất lượng thúc đẩy các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất và chất lượng.

Theo kế hoạch này, có 04 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất và chất lượng; Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Việc triển khai Kế hoạch phải bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; có sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan truyền thông, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cú huých mới hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Giai đoạn 2021-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.


Tác giả: Hồng Hạnh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website