Mô hình công nghệ giúp doanh nghiệp xi măng tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Mô hình được Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh ứng dụng đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp 13,2 tỷ đồng mỗi năm.
Kinh tế tuần hoàn nằm trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình sang “kinh tế tuần hoàn” với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.
Đối với Quảng Ninh, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai phát triển các mô hình Kinh tế tuần hoàn đối với chất thải từ hoạt động khai thác, sản xuất; tái chế, tái sử dụng trong khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm môi trường nhất là môi trường biển.
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện nay các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, hay tro bay, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn Quảng Ninh đã có thể được tái sử dụng để làm vật liệu xây dựng. Điều này đã góp phần giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống.
Nhà máy Xi măng Lam Thạch (Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) có công suất thiết kế 1.200 tấn clinker/ngày. Trong quá trình sản xuất, nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu là than cám trong lò nung. Xuất phát từ yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, từ tháng 3/2021, các kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker”.
Dây chuyền sấy chất thải rắn công nghiệp làm nguyên liệu thay thế tại Nhà máy xi măng Lam Thạch. Ảnh: Bạch Đằng
Theo đó, chất thải thu được từ Mô hình "ngân hàng gửi rác lấy tiền - VRACBANK " và từ các nhà máy, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Uông Bí, khu vực lân cận được Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thu gom về kho chứa. Tại đây, các loại chất thải sẽ trải qua quy trình khép kín băm nhỏ, sấy khô và theo băng tải rót vào các lò nung linker để làm nguyên liệu đốt thay thế than cám.
Công nghệ trên đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Khi áp dụng công nghệ này tại đơn vị, cứ mỗi 1 tấn chất thải cho vào lò nung clinker đã tiết giảm được 0,8 tấn than cám. Chất thải khi được xử lý ở nhiệt độ cao trong lò nung đã phân hủy hết chất độc hại, đảm bảo các chỉ tiêu về phát thải ra môi trường.
Theo tính toán, việc đồng xử lý chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker ở Nhà máy Xi măng Lam Thạch đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất; lợi ích kinh tế khi triển khai đã làm lợi cho Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh mỗi năm 13,2 tỷ đồng. Ngoài lợi ích kinh tế, việc tận dụng nguồn năng lượng do đốt chất thải để nung clinker cũng góp phần giảm tiêu hao nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy là than cám trong sản xuất 10-15% và tiêu thụ được lượng lớn rác thải hằng ngày.
Mô hình "ngân hàng gửi rác lấy tiền - VRACBANK " tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh là mô hình thu gom rác thải vô cơ có thể đốt cháy để thay thế một phần nguyên liệu sử dụng trong lò nung clinker. Ở nhiệt độ lên đến 1.400 độ C, tất cả các loại rác thải này bị tiêu hủy hoàn toàn, không phát sinh các loại khí thải độc hại, mùi hôi khét... như khi xử lý đốt ở môi trường thông thường, phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng yêu cầu thay thế nguyên liệu đầu vào là than vốn đắt đỏ và ngày càng khan hiếm, và tạo ra thói quen phân loại rác từ đầu nguồn được lan toả có hiệu quả trong cộng đồng. Mô hình được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là hiệu quả và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.