A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi xanh góp phần xây dựng nguồn năng lượng bền vững

Chuyển dịch sang năng lượng xanh sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra và thực tế nguồn cung điện đang có những thách thức nhất định.

Mới đây, Hội nghị “”Giải pháp cắt giảm chi phí điện năng và chuyển dịch sang năng lượng xanh với sự tham gia của những thương hiệu hàng đầu cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng sạch diễn ra tại Đà Nẵng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Bàn về đầu tư vào năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế bền vững -  Tạp chí Tài chính

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, các nhà sản xuất đã  phát triển công nghệ Inverter cho phép người dùng sử dụng thiết bị điện với công suất thấp hơn, tối ưu hóa nguồn điện năng.. Ứng dụng thường thấy nhất của công nghệ này là trong ngành điện lạnh, sản xuất điều hòa, tủ lạnh...

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo,theo định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế trong thời gian qua.

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có hơn 17.000 MW điện mặt trời nối lưới, trong đó có khoảng 9.000 MW điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành.

Các cơ chế cùng tạo nhiều điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường, từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ đến tài chính, bảo hiểm... góp phần hình thành thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia về năng lượng, Việt Nam hiện còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới như: Phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện; phát triển điện gió ngoài khơi gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời…

Để phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo theo hướng tới tăng xanh và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế, theo đó đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website