A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn

Những năm gần đây, tại một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư ngày càng gia tăng.

Đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng  thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh mới được nhiều doanh nghiệp hướng tới và triển khai...

Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao đã theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Trước đây, sản xuất gạch nung sử dụng nguồn nguyên liệu là đất sét, đất ruộng nạc, đốt từ than tự nhiên. Hệ quả là người nông dân mất đất ruộng, ô nhiễm môi trường. Để thay thế, nhà máy đã tìm kiếm các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản, các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ… và sản xuất với công nghệ tuần hoàn. Thành phẩm có giá thành cạnh tranh, lại đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.

Là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cũng đang tận dụng triệt để giá trị từ năng lượng xanh. Công ty đã xây dựng được nhiều vùng nuôi cá tra với diện tích gần 1.000ha mặt nước. Xây dựng các vùng nuôi kiểu mẫu sử dụng năng lượng mặt trời, quy trình nước tuần hoàn (hạn chế xả thải ra môi trường), dùng dây chuyền tự động cho ăn...

Xanh hóa sản xuất hay kinh tế tuần hoàn giờ đây có thể thấy ở nhiều nơi trên cả nước. 10 - 20 năm trước, rác thải nông nghiệp là gánh nặng rất lớn ở Việt Nam. Ngày nay, phần lớn rác thải đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch.

Chẳng hạn, Nestlé đang sản xuất gạch hay vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken Việt Nam tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa....

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Các chuyên gia khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tốn tiền đầu tư nhưng mang lại những giá trị khác cho doanh nghiệp. Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những giá trị lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, cho xã hội và môi trường.


Tác giả: Hải Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website